Không chỉ bỏ công sức tham gia làm sạch đường phố, kênh rạch, người dân còn góp kinh phí, vật chất để biến điểm đen ô nhiễm thành nơi sinh hoạt công cộng. Kết quả này khẳng định ý nghĩa đúng đắn của cuộc vận động, là hướng đến phục vụ thiết thực đời sống dân sinh.
Chung tay dọn rác trên rạch, ngoài phố
Sau trận mưa như trút hôm 10-6, rạch Bà Bướm đoạn qua Tổ dân phố 22A, khu phố 2, phường Phú Thuận (quận 7) nước dềnh lên, nhưng không còn hôi thối, cũng không còn rác lềnh bềnh như trước. Kết quả này đến từ việc những người dân trong xóm hưởng ứng thực hiện cuộc vận động.
Câu chuyện bắt đầu trong một đám giỗ ở nhà ông Dương Văn Ngân, Tổ trưởng Tổ dân phố 22A, vào tháng trước. Tại đây, người dân trong xóm nhìn ra con rạch trước nhà, trăn trở: “Anh em mình sống ở đây không lẽ tiếp tục chịu cảnh hôi thối này? Thành phố đang kêu gọi người dân không xả rác, làm sạch môi trường, mình phải làm gì đó chứ”. Từ đó, họ quyết định xắn tay vào làm sạch rạch.
Ông Phạm Quốc Thanh (45 tuổi) đặt mua chiếc xuồng từ tỉnh Kiên Giang về vớt rác. Thứ bảy ngày 23-5, họ bắt đầu vớt rác. Họ là những người có điều kiện kinh tế khá giả, như là đầu bếp nhà hàng nổi tiếng, là giám đốc khách sạn, và cũng không biết lội nước, lội bùn. Vậy nhưng, họ vẫn hăng hái, người xắn quần lội xuống rạch, người đứng trên bờ cùng hè nhau lôi rác.
Ban đầu, nhiều người dân trong xóm “thấy lạ”, ra xem rồi cùng nhau tham gia. UBND phường đề nghị Công ty Dịch vụ công ích quận chở rác hỗ trợ người dân. Những ngày đầu xe rác chạy 7 - 8 chuyến/ngày mà rác trên rạch vẫn lềnh khênh. Ai cũng sửng sốt vì rác quá nhiều. Song, họ vẫn miệt mài, cứ thấy còn rác là chống xuồng đi vớt. Đến nay, con rạch thối đã hết rác, nước trong hơn và cá đã về.
“Không xả rác là có lợi cho mọi người nên cần phải làm”, với suy nghĩ ấy, bà Hồ Chí Kiên, Tổ dân phố 26, phường 4 quận 11, cần mẫn dọn rác hơn một năm qua, dù nay đã 80 tuổi. Cứ 4 giờ sáng mỗi ngày, bà Kiên quét rác trước nhà và đường Đào Nguyên Phổ. Người dân trong tổ, với hơn 90% hộ dân là người Hoa, vừa được tuyên truyền, vừa trực tiếp thấy bà Kiên quét rác làm sạch đường phố, nên số người tham gia cứ đông dần lên. Đến nay, 6 tuyến đường thuộc tổ 26 đều sạch, đẹp, hầu như không thấy bóng dáng của rác thải.
Trong khi đó, hưởng ứng Chỉ thị 19, người dân ở khu phố 1, phường Tân Thành (quận Tân Phú) cũng có những việc làm thiết thực giữ gìn không gian sống. Trước mỗi nhà đều có thùng rác màu xanh, có nắp đậy và cùng nhắc nhở nhau quét dọn, giữ vệ sinh chung.
“Chúng tôi cũng dành 15 phút sáng chủ nhật tổng vệ sinh đường phố. Để môi trường sống sạch đẹp hơn không khó, chỉ cần mỗi người dân cùng giữ gìn là được”, ông Huỳnh Ngọc Khuynh (ngụ số 50 đường Dân Tộc) nói.
Kết quả từ ý nghĩa “phục vụ người dân”
Trên địa bàn quận 8, tại một con hẻm nhánh 366 Bùi Minh Trực (phường 6) có khu đất rộng hơn 500m2 là một điểm đen ô nhiễm, do người dân vứt rác nhiều năm qua. Thực hiện Chỉ thị 19, phường 6 phối hợp tổ chức chuyển hóa thành công viên có dụng cụ tập thể dục cho người dân sinh hoạt. Kinh phí thực hiện (hơn 60 triệu đồng) do Ban Đoàn kết công giáo quận 8, đại biểu HĐND phường và nhân dân đóng góp.
Mô hình chuyển hóa điểm đen về rác được thực hiện rất hiệu quả từ cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, như quận 9 đã giải quyết 78 điểm ô nhiễm về rác, trong đó chuyển 11 điểm thành khu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng.
Ở phường Phú Thuận (quận 7), trong 3 năm qua chuyển hóa 5 khu đất trống tồn đọng rác thành công viên, có gắn dụng cụ tập thể dục và trò chơi thiếu nhi, với tổng kinh phí vận động từ doanh nghiệp và nhân dân hơn 2,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, thực hiện Chỉ thị 19, lãnh đạo quận Thủ Đức tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vận động, từ đó đã chuyển hóa hàng loạt điểm đen ô nhiễm thành khu vui chơi, công viên, vườn hoa để người dân sinh hoạt. Cụ thể, 12 phường ở quận đã cải tạo được 40 điểm đen, có tổng diện tích hơn 17.000m2 với tổng kinh phí khoảng 4,8 tỷ đồng. Trong đó, người dân, doanh nghiệp ở các khu vực có điểm đen cùng mạnh thường quân ở quận đóng góp 3,8 tỷ đồng.
“Sau khi chuyển hóa, các điểm đen ô nhiễm đã thành nơi sinh hoạt công cộng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”, Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường nhận xét và nhấn mạnh, con số người dân đóng góp 3,8 tỷ đồng chuyển hóa điểm đen thể hiện được nhiều ý nghĩa, khẳng định sự đúng đắn của cuộc vận động là phục vụ thiết thực đời sống dân sinh.
Đồng chí NGUYỄN HỮU HIỆP, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM: Người dân trách nhiệm hơn trong bảo vệ môi trường Qua hơn một năm triển khai thực hiện, Chỉ thị 19-CT/TU đã và đang từng bước đi vào đời sống của người dân. Bước đầu, người dân đồng tình ủng hộ, tham gia dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải bừa bãi ở nơi cư trú, nơi làm việc, rồi tiến đến cùng nhau thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa góp phần cải thiện vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Đến nay, 715/747 điểm “đen” về rác thải được xóa, trong đó có 90 điểm trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời, 1.578.860 hộ dân đã ký cam kết không xả rác; thải rác đúng nơi quy định, thực hiện nếp sống văn minh đô thị... Những con số sinh động trên chứng minh sự hưởng ứng Chỉ thị 19 của người dân thành phố. Ngoài ra, nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường cũng chuyển biến rõ rệt, với việc ngày càng tích cực, chủ động đề ra giải pháp hay, mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Các mô hình “Hạn chế sử dụng túi ni lông”, “Biến rác thải thành tiền”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Khu nhà trọ xanh - sạch - đẹp”, “Tổ xung kích vì môi trường xanh”, “Cải tạo bãi rác thành vườn hoa”… là những ý tưởng của chính người dân, được hiện thực hóa thành các công trình công cộng phục vụ lại chính họ. THU HƯỜNG ghi |