Chỉ số PAI - "Ngôi sao 5 cánh" dẫn lối nhà làm phim đến địa điểm tiềm năng, chưa được khám phá

Ngày 11-12, diễn đàn Chỉ số thu hút đoàn làm phim và môi trường làm phim tại Việt Nam (chỉ số PAI), đã công bố bảng xếp hạng PAI năm 2024, tôn vinh top 10 địa phương có chỉ số cao nhất, trong đó có TPHCM.

Trao giấy chứng nhận xếp hạng chỉ số PIA năm 2024
Trao giấy chứng nhận xếp hạng chỉ số PIA năm 2024

Diễn đàn do Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) phối hợp cùng UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức tại Ninh Bình, đánh dấu 1 năm triển khai bộ chỉ số PAI, đồng thời là dịp để công bố bảng xếp hạng các địa phương có chỉ số PAI cao nhất.

Ra mắt lần đầu tiên vào tháng 11-2023, chỉ số PAI được thiết kế để đánh giá mức độ hấp dẫn của các địa phương đối với đoàn làm phim. Mục tiêu chính là đánh giá và nâng cao sức hấp dẫn của các vùng miền khác nhau của Việt Nam đối với hoạt động sản xuất phim.

Thông qua bộ chỉ số, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam mong muốn khai phá thế mạnh của ngành điện ảnh Việt Nam và giới thiệu với thế giới về vẻ đẹp cũng như những câu chuyện nằm sâu trong biên giới đất nước. PAI không chỉ là một chỉ số, đó còn là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn đến một thế giới đầy tiềm năng điện ảnh. Bộ chỉ số đóng vai trò là cầu nối giữa chính quyền địa phương và ngành công nghiệp điện ảnh...

phim.jpg
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam

“Đây không chỉ đơn thuần là danh sách các điểm đến mà là một công cụ toàn diện với cách tiếp cận có cấu trúc, nhằm đánh giá mức độ hỗ trợ của các địa phương đối với ngành điện ảnh và du lịch. Dựa trên 5 thành phần chính từ việc đánh giá các khoản trợ cấp và ưu đãi tài chính, nỗ lực quảng bá điểm đến, kết nối đoàn làm phim với các bên liên quan, đến tính minh bạch trong thủ tục pháp lý và chất lượng cơ sở hạ tầng..., PAI đóng vai trò như một "ngôi sao 5 cánh" dẫn lối các nhà làm phim đến những địa điểm tiềm năng còn chưa được khám phá”, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam nêu rõ.

Qua 1 năm, số lượng địa phương tham gia áp dụng chỉ số này đã tăng từ 10 lên 37, với nhiều kết quả ấn tượng được ghi nhận. Đặc biệt, tỉnh Phú Yên – địa phương từng nổi tiếng với bối cảnh phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh – tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng nhờ những cải tiến vượt bậc trong chính sách hỗ trợ và cơ sở hạ tầng phục vụ các đoàn làm phim.

Năm 2024, trong danh sách 10 địa phương dẫn đầu danh sách có: Phú Yên, Quảng Ninh, TPHCM, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Ninh Bình... Việc lọt vào danh sách dẫn đầu chỉ số PAI tạo động lực để các tỉnh, thành khác tiếp tục cải thiện môi trường làm phim, nâng cao năng lực cạnh tranh. Những kết quả này không chỉ minh chứng cho giá trị mà chỉ số PAI mang lại mà còn đặt nền móng cho sự hợp tác sâu rộng giữa các địa phương và ngành công nghiệp điện ảnh.

bi thu1.jpg
Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn

Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn nêu rõ, di sản thiên nhiên Ninh Bình rất đặc biệt với những điểm nổi bật như: Vườn Quốc gia Cúc Phương, Tràng An, cố đô Hoa Lư... Di sản văn hóa cũng độc đáo, gắn liền với các thời kỳ lịch sử. Tuy nhiên, việc quảng bá di sản và văn hóa của Ninh Bình tới các nhà làm phim vẫn chưa được chú trọng...

"Xác định việc phát triển ngành công nghiệp điện ảnh sẽ mang lại nhiều lợi ích, với sự sẵn sàng đồng hành của doanh nghiệp. Ninh Bình cam kết mời gọi các nhà làm phim nhanh chóng triển khai các giải pháp cụ thể để trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi sản sinh ra các tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao", Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình khẳng định.

doan lam phim 2.jpg
Các chuyên gia, nhà làm phim trong nước và quốc tế chia sẻ về việc kết nối làm phim tại diễn đàn

Những ý kiến trong phiên thảo luận không chỉ mang tính chiến lược mà còn thực tiễn, mở ra các giải pháp sáng tạo. Đây là cơ hội để các địa phương hiểu rõ hơn về nhu cầu của ngành điện ảnh, từ đó tiếp tục cải thiện và xây dựng một môi trường làm phim chuyên nghiệp, thu hút ngày càng nhiều nhà làm phim quốc tế đến với Việt Nam.

Một trong những điểm nhấn quan trọng tại diễn đàn là lễ ra mắt nền tảng trực tuyến Vietnamfilmproduction.vn. Nền tảng này được phát triển như một công cụ hỗ trợ toàn diện cho các đoàn làm phim, cung cấp thông tin chi tiết về bối cảnh quay phim, chính sách hỗ trợ và các quy trình pháp lý tại địa phương. Thông qua Vietnamfilmproduction.vn, các nhà làm phim trong nước và quốc tế có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tài nguyên phong phú, tìm hiểu các địa điểm quay phim tiềm năng và nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng từ chính quyền địa phương.

Tin cùng chuyên mục