Chỉ số PCI của Hà Nội cao nhất từ trước đến nay
Báo cáo tại phiên khai mạc, đại diện UBND TP Hà Nội nhận định, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đã được quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2017 và đạt được kết quả khá toàn diện.
Thu - chi ngân sách của TP Hà Nội cũng đạt khá, với mức thực hiện cả năm 2017 ước thu đạt 207.628 tỷ đồng, bằng 101,4% dự toán HĐND TP Hà Nội giao; tăng 15,7% so với thực hiện năm 2016.
Đáng lưu ý, thu nội địa 187.640 tỷ đồng, đạt 101% dự toán, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ rệt là một điểm sáng quan trọng được nhấn mạnh.
Theo UBND TP Hà Nội, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của Hà Nội đạt 60,74 điểm (tăng 1,74 điểm), xếp ở vị trí thứ 14/63 tỉnh thành cả nước, tăng 10 bậc so với năm 2015, cao nhất từ trước tới nay.
Năm 2016 là năm thứ 4 liên tiếp chỉ số PCI của Hà Nội tăng hạng và cũng là năm đầu tiên Hà Nội bước vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt. Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) xếp thứ 3 cả nước và tăng 6 bậc so với năm 2015.
Trong đó, Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký kinh doanh, kê khai thuế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng hiện nay đạt xấp xỉ 100%, tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 98%.
Theo chương trình nghị sự, tại kỳ họp này (diễn ra từ ngày 4-12 đến ngày 6-12), dự kiến HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét thông qua 5 nghị quyết thường kỳ, 11 nghị quyết chuyên đề và thực hiện công tác nhân sự. Ngoài các nội dung trọng tâm thường xuyên, tại kỳ họp này, HĐND TP Hà Nội còn xem xét, quyết nghị về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020; bổ sung danh mục công trình trọng điểm của TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020; điều chỉnh Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020; thông qua đồ án “Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, TP Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000”; công tác cấp thẻ BHYT cho người bị bệnh phong và người thuộc hộ cận nghèo...
Cử tri Hà Nội bức xúc về tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp
Ngay trước Kỳ họp thứ 5, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã tổng hợp cụ thể 214 ý kiến, kiến nghị để chuyển tới UBND TP Hà Nội trả lời, trong đó có 15 ý kiến, kiến nghị đề nghị trả lời ngay tại kỳ họp thứ 5.
Nội dung kiến nghị rất đa dạng, trong đó có việc đề nghị UBND TP Hà Nội có quy định cụ thể trong quản lý các doanh nghiệp taxi, bao gồm cả truyền thống, Uber, Grab đang kinh doanh trên địa bàn; rà soát các dự án sau khi được cấp phép không triển khai thực hiện mà chỉ “ôm giữ”; chất lượng và mức độ an toàn của 2 tuyến đường sắt trên cao đang được đầu tư xây dựng tại nội thành Hà Nội, vì các dự án này triển khai đã từ rất lâu nhưng chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng.
Cử tri cũng đề nghị TP Hà Nội xem xét quy hoạch đô thị, có cơ chế đặc thù chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ công tác cải tạo chung cư cũ, dự án giãn dân phố cổ; chỉ đạo, kiểm tra, khảo sát thực việc sắp xếp để xe trên vỉa hè cho phù hợp với từng kích thước vỉa hè để tạo điều kiện phát triển kinh tế, tạo ra lối đi trên hè đảm bảo cho người đi bộ.
Về lĩnh vực văn hóa xã hội, cử tri Thủ đô đề nghị UBND TP Hà Nội quan tâm có chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ giáo viên mầm non (mức lương thấp không đủ đảm bảo cuộc sống) và các trường hợp được nghỉ chế độ từ năm 2013 trở về trước chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Cử tri cũng phản ánh, trong thời gian qua, chất lượng công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ Bảo hiểm y tế chưa tốt. Các loại thuốc cấp phát cho bệnh nhân theo đơn chưa đảm bảo chất lượng, bệnh nhân muốn dùng loại thuốc tốt hơn phải mua ở ngoài.
Đề nghị Chính phủ xem xét việc chi trả chế độ trợ cấp 1 lần đối với hộ gia đình có thành tích tham gia kháng chiến được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Việc chi trả chế độ này, theo quyết định số 24/2016/QĐ-TTg, cá nhân được nhận bằng khen thì được nhận chế độ chi trả còn hộ gia đình thì lại không được xem xét chi trả là chưa hợp lý.
Cử tri Hà Nội cũng bày tỏ bức xúc về việc hiện nay tỷ lệ thu hồi tiền tham nhũng rất thấp, có đến 92% số tiền tham nhũng không thu hồi được. Đề nghị ngoài xử lý thu hồi bằng hình thức hành chính thì phải thu hồi bằng hình thức hình sự. Đề nghị tăng nặng mức xử phạt, kỷ luật đối với các cán bộ, công chức tham nhũng.
Đối với một số công dân tham gia Quân đội tại các vùng biên giới, hải đảo xuất ngũ được nhà nước giải quyết chế độ BHYT 100% chi phí khi khám và điều trị bệnh nhưng khi tham gia cán bộ, công chức (CBCC) chỉ được hưởng BHYT với mức chi phí 85% chi phí khi khám điều trị bệnh. Đề nghị Nhà nước xem xét giải quyết cho CBCC có thời gian tham gia Quân đội tại các vùng biên giới, hải đảo được hưởng 100% chi phí BHYT khi khám và điều trị bệnh, tránh thiệt thòi cho CBCC...