Như vậy, CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016 tăng 3,84% và so với tháng 12 năm trước đã tăng 1,23%. Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 10 nhóm hàng tăng giá (trừ bưu chính viễn thông giảm rất nhẹ: 0,04%).
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 8-2017 có mức tăng khá cao do một số nguyên nhân, trong đó đáng lưu ý là chỉ số giá nhóm thực phẩm - nhóm hàng hóa có quyền số lớn trong rổ hàng hóa dịch vụ tính CPI - tiếp tục tăng cao. Nhóm này tháng qua đã tăng 1,64%, góp phần tăng chỉ số CPI khoảng 0,37%; chủ yếu do giá thịt heo tăng tới 5,72% so với tháng trước và theo đó giá các loại thực phẩm chế biến từ thịt heo cũng tăng theo.
Người tiêu dùng mua thịt heo tại Co.opmart Cống Quỳnh
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mưa bão và lũ quét làm cho rau xanh khan hiếm, đẩy giá rau xanh tăng 3,89%. Đáng lưu ý, nhóm hàng có chỉ số tăng cao nhất (trong 11 nhóm hàng hóa - dịch vụ chính) là thuốc và dịch vụ y tế, tháng này có mức tăng 2,86% (trong đó dịch vụ y tế tăng 3,72%); chủ yếu do giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế tăng theo các quyết định của UBND của 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,14%.
Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý, bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 8-2017 tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 1,31% so với cùng kỳ. Bình quân 8 tháng đầu năm 2017, lạm phát cơ bản đã tăng 1,47% so với cùng kỳ, thấp hơn mức kế hoạch 1,6% - 1,8%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.