Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng gần 1%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2025 tăng 0,98% so với tháng trước và tăng 3,63% so với cùng kỳ năm 2024; lạm phát cơ bản tăng 3,07% so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu đi lại và mua sắm của người dân tăng trong dịp tết là nguyên nhân chủ yếu đẩy giá lên
Nhu cầu đi lại và mua sắm của người dân tăng trong dịp tết là nguyên nhân chủ yếu đẩy giá lên

Theo công bố sáng 6-2 của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 1-2025 tăng 0,98% so với tháng trước. Các nguyên nhân chủ yếu là một số địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT, giá dịch vụ giao thông, thực phẩm tăng do nhu cầu đi lại và mua sắm tăng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

So với cùng kỳ năm 2024, CPI tháng 1-2025 tăng 3,63%.

Về mức tăng so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Các nhóm có chỉ số giá tăng đáng kể gồm: thuốc và dịch vụ y tế (tăng cao nhất với tăng 9,47% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,51 điểm phần trăm); giao thông; dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá...

Ngược lại, giá điện sinh hoạt giảm 0,51% so với tháng trước; giá nước sinh hoạt giảm 0,29% do nhu cầu tiêu dùng giảm trong mùa đông; nhóm giáo dục giảm nhẹ 0,04%, trong đó, dịch vụ giáo dục giảm 0,05% chủ yếu do TPHCM thực hiện Nghị quyết của HĐND về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho học sinh trung học cơ sở công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trung học cơ sở năm học 2024-2025.

Cùng với đó, nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,12%, trong đó, giá máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,74%; phụ kiện máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,72%...

Lạm phát cơ bản tháng 1-2025 tăng 0,42% so với tháng trước, tăng 3,07% so với cùng kỳ năm trước.

Tin cùng chuyên mục