Theo thông tin từ cơ quan thống kê quốc gia, ngày 29-1, việc một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 1 tăng.
Trong mức tăng 0,31% của CPI tháng 1 so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất (1,02%, trong đó chỉ số giá thuốc các loại tăng 0,09%; dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 0,89%; dịch vụ khám chữa bệnh nội trú tăng 1,67%). Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17-11-2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.
Có 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05% do các hãng thực hiện chương trình khuyến mại giảm giá đối với một số loại điện thoại di động; nhóm giáo dục giảm 0,12%, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0,15%. Nguyên nhân chủ yếu do ngày 31-12-2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, yêu cầu giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023 - 2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập.
Lạm phát cơ bản tháng 1 tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,37%), chủ yếu do giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.