Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 4,12%, cao hơn cận dưới mức Quốc hội giao

Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,73%. Trong khi đó, Quốc hội quyết nghị khống chế CPI ở mức 4%-4,5%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,48% so với tháng trước, theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng nay, 29-7. So với tháng 12-2023, CPI tháng 7 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,36%. Bình quân 7 tháng, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong tháng 7, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Nhóm bưu chính, viễn thông ổn định giá.

Có mức tăng mạnh nhất là nhóm “hàng hóa và dịch vụ khác” (tăng 3,77% chủ yếu do giá bảo hiểm y tế tăng 28,45% khi mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng). Nhóm giao thông tăng 1,45% (làm cho CPI chung 0,14 điểm phần trăm), chủ yếu do giá dầu diezen tăng 4,07%; giá xăng trong nước tăng 3,55% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng. Giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 20,44%; đường sắt tăng 4,4%; vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 0,04% do nhu cầu cao.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, vốn chiếm quyền số cao nhất, tăng 0,26% (làm cho CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm), trong đó lương thực giảm; thực phẩm tăng; ăn uống ngoài gia đình tăng.

Lạm phát cơ bản tháng 7 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%).

Tin cùng chuyên mục