Khó chồng khó
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết, từ đầu năm đến nay, các DN đã phải chật vật duy trì ổn định sản xuất trước “cơn bão” giá nguyên liệu sản xuất. Trong đó, giá các loại gia vị phụ gia nhập khẩu tăng từ 5-10%, nguyên vật liệu ngành nhựa phục vụ sản xuất tăng từ 15-70%, bao bì tăng từ 10-15%, găng tay cao su tăng 300%... Nguyên liệu nội địa như gạo, thủy sản, đường… cũng tăng từ 5-20%.
Gần đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã có công văn gởi Bộ Tư pháp đề nghị xem xét tạm dừng tăng phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển, nhất là tại các cảng biển trên địa bàn TPHCM.
Vasep nêu rõ, hiện tùy theo loại hàng hóa mà mức chi phí DN phải đóng rất cao. Cụ thể, khoảng 2,2 triệu đồng/container 20 feet, 4,4 triệu đồng/container 40 feet hàng khô đối với hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, chuyển khẩu, và 15.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TPHCM...
Cũng theo Vasep, hiện có hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu đang tập trung tại các cảng biển của TPHCM. Như vậy, một DN thủy sản ở Khánh Hòa có 3.000 container xuất khẩu/năm sẽ phải trả 7,5 tỷ đồng/năm tiền phí trạm BOT và 5,5 tỷ đồng/năm khoản phí mới tại cảng Cát Lái - mức chi phí quá lớn đối với DN.
Trong khi đó, DN đang gặp thêm khó khăn khi sức mua giảm. Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước đạt 393.600 tỷ đồng, giảm 3,1% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 5 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận có 59.800 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 31.800 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8.000 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 DN rút lui khỏi thị trường.
Cần giảm gánh nặng cho doanh nghiệp
Theo bà Lý Kim Chi, nhiều DN thuộc Hội Lương thực thực phẩm TPHCM đã đồng loạt kiến nghị UBND TPHCM xem xét tạm hoãn tăng phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển, nhất là tại các cảng biển trên địa bàn TPHCM.
TPHCM là một trong 3 đô thị cảng biển lớn của cả nước cùng với Hải Phòng và Đà Nẵng. Tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng hóa qua cảng bình quân hàng năm là 5%. Ngay trong thời điểm dịch Covid-19, nhu cầu hàng hóa xuất nhập khẩu các tỉnh phía Nam vẫn tăng gần 20%, riêng TPHCM tăng trên 5%.
Phải nói rằng, hệ thống cảng biển thành phố đóng vai trò chủ đạo kết nối vận tải khu vực Đông Nam bộ, đồng bằng Sông Cửu Long với các cụm cảng chính là Cát Lái, Sài Gòn và Hiệp Phước. Thế nhưng, đến nay hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các cảng trên địa bàn vẫn chưa đồng bộ, đường hẹp khiến tình trạng kẹt xe xảy ra triền miên, chi phí logistics tăng, hiệu quả khai thác cảng giảm. Chẳng hạn tại cảng Cát Lái, hiện hệ thống đường chỉ đáp ứng cho khoảng 12.000 xe lưu thông/ngày đêm. Trong khi đó, lưu lượng thực tế đã lên 19.000-20.000 xe/ngày đêm, có những thời điểm lượng xe tăng đột biến lên 26.000 xe.
Do vậy, việc đầu tư, nâng cấp đồng bộ hạ tầng xung quanh cảng rất cấp thiết, giúp các phương tiện vận chuyển nhanh chóng hơn, tạo điều kiện kéo giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Về lâu dài, việc tăng phí để thành phố có thêm chi phí tái đầu tư hệ thống cảng là cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đang tăng mạnh, việc tăng phí dịch vụ hạ tầng vào cảng sẽ khiến DN bị khó chồng khó. Hiện tại, khu cảng biển lớn nhất miền Bắc là Hải Phòng cũng đã hai lần điều chỉnh giảm phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng nhằm giảm áp lực lên DN.
Bà Lý Kim Chi cho biết, những tháng tới là thời gian cao điểm nhập khẩu nguyên liệu của DN. Các DN kiến nghị thành phố xem xét lùi thời gian thực hiện thu phí giai đoạn 1 bắt đầu từ 1-1-2022 và giai đoạn 2 từ 1-6-2022 thay vì từ năm 2021. Đồng thời, cần nghiên cứu giảm mức thu phí thấp hơn so với mức đề xuất trong dự thảo (không quá 50% mức đề xuất) để giảm thiểu gánh nặng cho DN, tạo điều kiện để DN khôi phục và phát triển sau tác động từ dịch Covid-19 cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh về giá với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, theo ý kiến của nhiều DN, Bộ Công thương cần đẩy mạnh hợp tác với các sàn thương mại điện tử để giúp DN tăng thị phần tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Mặt khác, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, giúp giảm áp lực tăng giá bán sản phẩm cho DN. |