Cụ thể, đối tượng được hỗ trợ thuộc 3 nhóm: về cây trồng có lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê; về vật nuôi có trâu, bò, heo; nuôi trồng thủy sản có tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra. Các địa bàn cụ thể cũng đã được xác định đối với từng loại cây trồng, vật nuôi, đơn cử như đối với cây lúa, được hỗ trợ BHNN tại 7 tỉnh; cây cao su tại 8 tỉnh.
Mức hỗ trợ phí BHNN tối đa cho cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo: 90%; không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo: 20%... Bộ Tài chính ước tính, kinh phí hỗ trợ phí BHNN từ ngân sách nhà nước khoảng 88,4 tỷ đồng/năm (hỗ trợ bảo hiểm cây trồng khoảng 31,9 tỷ đồng/năm; vật nuôi khoảng 47,5 tỷ đồng/năm; nuôi trồng thủy sản khoảng 9 tỷ đồng/năm).
Con số thực sự không lớn so với ngân sách quốc gia, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn với các bên liên quan. Đối với Nhà nước, đây sẽ là một điểm tựa để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất. Việc mở rộng đối tượng bảo hiểm và rủi ro được bảo hiểm sẽ khuyến khích người dân quan tâm, tham gia. Đối với doanh nghiệp, bàn tay nâng đỡ của Nhà nước sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp bảo hiểm nghiên cứu, mở rộng, phát triển kinh doanh nghiệp vụ BHNN. Về phía người dân, việc hỗ trợ phí bảo hiểm sẽ giúp họ bớt đi nỗi lo “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, có điều kiện để giảm bớt khó khăn, khôi phục, ổn định sản xuất khi gặp phải thiên tai, dịch bệnh.
Vì thế, hẳn sẽ không ai tranh luận về sự cần thiết phải thực hiện hỗ trợ BHNN. Vấn đề là tại sao số lượng sản phẩm và địa bàn được hỗ trợ lại còn khá ít ỏi như vậy, trong khi nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chiếm tỷ trọng lớn, là lĩnh vực rủi ro cao, phụ thuộc lớn vào biến động khó lường của thiên tai, dịch bệnh?
Theo Bộ Tài chính, việc lựa chọn đối tượng bảo hiểm căn cứ trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước và theo đề xuất của Bộ NN-PTNT, các địa phương. Các đối tượng được hỗ trợ có quy mô, diện tích mang tính đại diện cho các vùng miền, tạo thuận lợi cho việc triển khai bảo hiểm theo nguyên tắc lấy số đông bù số ít. Đây cũng là các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, phù hợp với mục tiêu, định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Cho đến nay, BHNN cơ bản vẫn là sản phẩm mới, phức tạp, không chỉ đối với người nông dân mà còn với đội ngũ cán bộ thực thi chính sách tại cơ sở. Nhận thức của một số bộ phận người nông dân đối với BHNN vẫn còn hạn chế. Thêm vào đó, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, một mặt các doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận người nông dân, mặt khác, các địa phương cũng ưu tiên nguồn lực để triển khai biện pháp cấp bách phòng chống dịch thay vì bố trí ngân sách cho mục tiêu này. Thực tế, mới chỉ có 4/19 tỉnh (Nghệ An, Thái Bình, Hà Giang và Bình Định) có kết quả triển khai bảo hiểm; mới chỉ triển khai được 2/3 đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ là cây lúa và vật nuôi (trâu, bò)…
Để đảm bảo nguyên tắc liên tục, ổn định và bền vững với trọng tâm là hỗ trợ hiệu quả cho người nông dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp bảo hiểm, yếu tố then chốt là sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp chính quyền địa phương; của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc hỗ trợ, tuyên truyền để người nông dân hiểu rõ ích lợi và tham gia bảo hiểm. Các giải pháp thực hiện cũng phải ổn định, lâu dài, không bị ngắt quãng, không “sáng nắng chiều mưa” để quyền lợi cho người nông dân được đảm bảo và sự thuận lợi trong tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương, doanh nghiệp bảo hiểm.