Chi phí logistics tăng cao: Doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu

Do ảnh hưởng mạnh từ những xung đột địa chính trị gần đây diễn ra tại khu vực Trung Đông, chi phí logistics hiện nay đã tăng cao khoảng 130% so với cuối năm 2023. Thực tế này đã và đang đẩy doanh nghiệp xuất khẩu trong nước rơi vào tình trạng đóng băng nhiều đơn hàng xuất khẩu.

Đội giá lên gấp đôi

Ông Trần Trọng Kim, Tham tán thương mại Việt Nam tại Arab Saudi, chia sẻ, tình hình xung đột ở Trung Đông đã xuất hiện từ trước nhưng trở nên trầm trọng hơn trong quý 1-2024. Các cuộc tấn công ngày càng tăng vào các tàu hàng lưu thông trên Biển Đỏ đã gây ra mối đe dọa có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế. Hậu quả, các công ty vận tải hàng hóa phải định tuyến lại cung đường di chuyển qua mũi Hảo Vọng của châu Phi thay vì đi qua kênh đào Suez. Hiện số lượng tàu đi qua kênh đào Suez cũng giảm 42% so với năm 2023. Cũng theo ông Trần Trọng Kim, hiện một số tập đoàn vận tải lớn trên thế giới đã dừng vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ và kênh đào Suez.

C1g.jpg
Tàu vận chuyển hàng hóa tại cảng Cát Lái, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đơn cử, Tập đoàn dầu mỏ BP đã tạm dừng tất cả các chuyến vận chuyển qua Biển Đỏ; hãng vận tải container Evergreen đã quyết định tạm thời ngừng nhận hàng hóa đi Israel và chỉ thị cho các tàu container của họ tạm dừng di chuyển qua Biển Đỏ cho đến khi có thông báo mới; hãng tàu CMA của Pháp cũng đã cho tất cả các tàu rời khỏi khu vực xung đột cho đến khi có thông báo mới; Hapag-Lloyd, công ty kiểm soát khoảng 7% đội tàu container toàn cầu, cũng đã tạm dừng tất cả tàu qua Biển Đỏ... Tình trạng này đã làm tăng thêm chi phí vận tải biển và gây ra sự chậm trễ giao hàng.

Bà Lê Thị Thanh Minh, Trưởng phòng châu Âu, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), cho biết thêm, chi phí vận chuyển hàng hải tăng rất cao từ đầu năm đến nay. Cụ thể, chi phí vận chuyển đến Mỹ đã tăng từ 1.850 USD lên 2.950 USD/ container đối với cảng biển khu vực bờ Tây và tăng từ hơn 2.000 USD lên gần 5.000 USD/container đối với cảng biển khu vực bờ Đông. Còn với thị trường châu Âu, chi phí vận chuyển ghi nhận đã tăng từ 1.230 USD lên 4.450 USD/container.

C5A.jpg
Hàng hóa ra vào tại cảng Cát Lái, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bên cạnh đó, do phải thay đổi hải trình đi qua mũi Hảo Vọng của châu Phi thay vì qua kênh đào Suez nên thời gian vận chuyển cũng bị kéo dài thêm trung bình 10-15 ngày. Điều này khiến cho kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung bị động và phát sinh thêm nhiều khoản phụ phí từ các hãng tàu đưa ra. Có trường hợp doanh nghiệp đã giao hàng lên tàu 2 tuần mới nhận được đề nghị tăng phụ phí, gây bức xúc và ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp. Chưa kể, từ việc tăng thời gian vận chuyển cũng kéo theo tình trạng thiếu container rỗng để đóng hàng, ảnh hưởng đáng kể đến thời gian giao, nhận hàng của nhiều doanh nghiệp trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.

Tìm thị trường mới

Trước thực tế trên, ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thông tin, doanh nghiệp xuất khẩu đang chịu tác động tiêu cực kép: giá cước vận tải tăng và đồng USD cũng tăng giá. Trong khi đó, ngành dệt may phải nhập đến 60% nguyên liệu sản xuất. Do vậy, không chỉ doanh nghiệp dệt may mà nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác đang chủ động điều chỉnh, cân nhắc nhận đơn hàng theo hướng ưu tiên những đơn hàng của các thị trường gần, dễ giao nhận như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...; hạn chế nhận hoặc tạm thời “đóng băng” các đơn hàng ở những thị trường xa như Mỹ, châu Âu, Trung Đông… “Hiện công ty đã tạm dừng những đơn hàng xuất khẩu đến thị trường Trung Đông và chuyển hướng sang những thị trường thuận lợi hơn là Trung Quốc, Nhật Bản”, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm G.C, chia sẻ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cũng cho biết, doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng đang tăng cường khai thác xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đồng thời tìm hiểu để mở rộng kết nối xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. Đây là 2 thị trường rất tiềm năng với quy mô dân số gần 3 tỷ người và nhu cầu tiêu dùng rất đa dạng từ phân khúc trung bình đến cao cấp. Tuy nhiên, cùng với việc thay đổi thị trường, các tham tán thương mại khuyến cáo doanh nghiệp cần cẩn trọng trong giao thương. Hiện đang có tình trạng lợi dụng chiến sự, một số đối tượng lừa đảo tự xưng là người của các tổ chức nhân đạo, từ thiện đang cần nhập khẩu lượng lớn hàng hóa nhằm mục đích cứu trợ, tái thiết nên đưa ra các đơn hàng lớn, giá tốt để lừa đảo và chiếm đoạt hàng. “Khi có các đơn hàng kiểu như vậy, đề nghị doanh nghiệp thận trọng và xác minh kỹ qua kênh đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại khu vực.

Đồng thời, khi giao dịch với doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp cần ký hợp đồng thanh toán theo hình thức thư tín dụng LC, có đặt cọc, nếu khách hàng trả trước thì càng tốt; không trả trước bất kỳ khoản phí nào liên quan đến chi phí môi giới hợp đồng, phí phát hành hóa đơn vì đây là hành vi lừa đảo phổ biến”, một tham tán thương mại cảnh báo.

* Ông NGUYỄN PHƯỚC HƯNG, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM:

Doanh nghiệp vẫn lo khát đơn hàng

Tính chung 4 tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn tình trạng khan hiếm đơn hàng, nhất là với một số doanh nghiệp ngành hàng xuất khẩu phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ... Đơn cử, ngành cao su - nhựa, mức giảm doanh thu chung khoảng 20%; hàng thiết yếu giảm khoảng 10%; hàng đồ chơi, phục vụ xây dựng giảm gần 30%... Các ngành hàng bán lẻ, phân phối vẫn đối diện với tình trạng đóng cửa, phá sản, trả mặt bằng... lan rộng. Bên cạnh đó, các ngành hàng thâm dụng nhiều lao động như da giày, dệt may vẫn chưa có đơn hàng trung dài hạn nên chưa thể ổn định sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như trên, ngân hàng cần tiếp tục giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp, xem xét tăng tỷ lệ thế chấp các tài sản, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai... Cùng với đó, có chính sách hỗ trợ vốn kết hợp thiết lập chính sách thuế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trên môi trường trực tuyến và đáp ứng tiêu chuẩn xanh đang ngày càng phổ biến tại nhiều thị trường xuất khẩu. Có như vậy mới nuôi dưỡng nội lực cho doanh nghiệp để duy trì đà tăng trưởng sau một thời gian dài kiệt sức vì quá nhiều biến động kinh tế trên toàn cầu.

* Ông ĐÀO MINH CHÁNH, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM:

Tháo gỡ nút thắt thủ tục hải quan

Tại hội nghị đối thoại với ngành hải quan vừa qua đã thu hút sự tham gia của đại diện hơn 350 doanh nghiệp. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đề nghị tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các vấn đề như giám sát hải quan; trình tự, thủ tục kiểm tra sau thông quan; hạn ngạch thuế quan xuất nhập khẩu; đăng ký, sửa chữa, bổ sung tờ khai hải quan; xuất nhập khẩu tại chỗ; quy định áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan; công bố hợp chuẩn và công bố hợp quy với hàng hóa xuất nhập khẩu; thủ tục hải quan khi sáp nhập doanh nghiệp…

Đơn cử như tình trạng lệch trọng lượng giữa tờ khai hải quan và phiếu cân chênh lệch khi ký xuất hàng (không quá nhiều), Tổng cục Hải quan cũng đã nhiều lần có văn bản hướng dẫn xử lý, nhưng tại Chi cục Hải quan vẫn yêu cầu phải điều chỉnh tờ khai. Hay như hệ thống một cửa thường gặp sự cố khiến doanh nghiệp không khai báo, xin giấy phép được… Liên quan đến Luật An toàn thực phẩm, hiện đang có sự phân tán cơ sở dữ liệu của nhiều bộ, ngành gây khó cho hải quan và doanh nghiệp do không áp dụng được khai báo trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Liên quan đến vấn đề này, doanh nghiệp dù đã tiến hành nộp đầy đủ hồ sơ theo phương thức kiểm tra giảm nhưng vẫn bị yêu cầu thực hiện đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm theo phương thức thông thường, với lý do không có thông báo của cơ quan kiểm tra chuyên ngành về danh mục sản phẩm, hàng hóa và danh sách tổ chức, cá nhân được áp dụng phương thức kiểm tra giảm… Có thể thấy, sự bất nhất trong quy định, triển khai và thiếu đồng bộ trong hạ tầng công nghệ thông tin đã làm kéo dài thời gian thông quan hàng hóa của doanh nghiệp, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giao vận đơn hàng giữa doanh nghiệp với đối tác.

Tin cùng chuyên mục