Do vậy, việc cắt giảm chi phí logistics nói chung và chi phí vận tải nói riêng là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay và có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế.
Sáng 16-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trên cả nước về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Đại diện các bộ, ngành, địa phương, Ngân hàng Thế giới và đông đảo doanh nghiệp tham dự.
Một trong những bất cập được mổ xẻ tại hội nghị là việc tổ chức vận tải chưa hợp lý, chưa phát huy được hết lợi thế của các phương thức vận tải, chưa phát triển được vận tải đa phương thức trên các hành lang. Trong đó, vận tải đường bộ có giá thành cao nhất nhưng chiếm tới 77,20% thị phần, trong khi các phương thức vận tải khối lượng lớn, giá thành thấp như đường thủy nội địa, đường biển chỉ chiếm 17,14% và 5,22%, cá biệt vận tải đường sắt chỉ chiếm 0,42%, đường hàng không chỉ chiếm 0.02%.
Một ví dụ để thấy chi phí đường bộ rất cao là, chi phí vận chuyển container loại 40 feet bằng đường bộ từ Hà Nội vào TPHCM (không tính chi phí xếp dỡ hai đầu) vào khoảng 40 triệu VNĐ, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 2,5 lần so với vận chuyển bằng đường sắt.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, một trong những nguyên nhân chính gây ra sự mất cân đối giữa các loại hình vận tải là việc quá tập trung đầu tư cho đường bộ. Trong giai đoạn 2011-2015, tổng đầu tư cho đường bộ là 299.115 tỷ đồng, chiếm tới 89.93%, gần 10% chia cho tất cả các phương thức vận tải còn lại. Một nguyên nhân nữa là, tình trạng xe chở quá tải trọng để cạnh tranh trong một thời gian dài đã làm “méo mó” thị trường vận tải, dẫn đến việc vận tải đường bộ có thị phần quá cao. Các phương thức vận tải còn lại do không được đầu tư thỏa đáng nên thiếu tính cạnh tranh.
Một bất cập nữa khiến chi phí logistics tại Việt Nam bị đội lên, đó là các loại phí, lệ phí đối với hoạt động giao thông vận tải tại Việt Nam còn cao so với một số quốc gia trong khu vực (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới). Thị trường vận tải chưa minh bạch, thiếu thông tin, giá cước vận tải cao do đơn vị chủ phương tiện không trực tiếp làm việc với chủ hàng mà phải thông qua nhiều khâu trung gian, môi giới làm hiệu quả khai thác thấp, hệ số chạy rỗng cao.
Để kéo giảm chi phí logistic, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, Bộ GTVT cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính.
Theo đó, thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 khoảng 54,4%; đường sắt 4,3%; đường thủy nội địa 32,4%. Thị phần vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 khoảng 93,2%; đường sắt 3,4%.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh kết nối giữa các phương thức vận tải, xây dựng công trình giao thông, kho bãi, trung tâm logistics trên các tuyến đường, hành lang kết nối các cảng của Việt Nam với Lào, Campuchia, Thái Lan và Nam Trung Quốc, xây dựng các trung tâm logistics hàng không gắn liền với các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, các khu dịch vụ logistics sau cảng tại các cảng cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu (Cái Mép - Thị Vải) và Hải Phòng (Lạch Huyện), cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới các ga đường sắt đầu mối hàng hóa tại Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng..., triển khai đầu tư xây dựng cảng container Phù Đổng nhằm phát triển vận tải container đường thuỷ nội địa từ cảng Hải Phòng về các địa phương khu vực phía Bắc.
Đặc biệt, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng sử dụng sàn giao dịch vận tải, tạo điều kiện kết nối giữa đơn vị vận tải và chủ hàng, tăng tính minh bạch của thị trường vận tải, nâng cao hiệu quả khai thác.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, chi phí logistic tại Việt Nam chiếm tới 20,9% GDP là còn cao, rất cao, do chỉ tổ chức đơn tuyến và chủ yếu chỉ có đường bộ, thiếu sự liên kết, vận tải 45% xe chạy rỗng quay về.
Thủ tướng nhấn mạnh, logistic là nhóm ngành quan trọng trong 12 nhóm ngành cộng đồng kinh tế ASEAN coi trọng, nếu trong nước không chủ động thì các nước khác sẽ lấy mất cơ hội. Vì vậy, phải có doanh nghiệp mạnh về Logistic. Các địa phương cũng phải hiểu vấn đề này, cùng các bộ ngành kéo giảm giá thành sản phẩm. "Không nên coi thường những khoản chi phí nhỏ, những giọt nước nhỏ nhưng có thể nhấn chìm con tàu lớn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu, các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp phải có kế hoạch hành động logistic đến năm 2020. Trước hết, phải làm rõ quy đinh pháp lý về logistic, nâng cao nhận thức về logistic, đầu tư hạ tầng, kết nối hạ tầng, kết nối các loại hình vận tải thúc đẩy logistic, nhất thiết phải kéo giảm chi phí để tăng tính cạnh tranh.