Chí Phèo tái ngộ màn ảnh

Chí Phèo tái ngộ màn ảnh

Chí Phèo tái ngộ màn ảnh ảnh 1
NSƯT Trung Hiếu sẽ vào vai Chí Phèo trong phiên bản mới

Làng gốm Phủ Lãng ở Bắc Ninh mấy tuần nay đang náo động bởi sự có mặt của đoàn phim “Chí Phèo và những người bạn”. Bối cảnh lò gạch,  nơi gặp gỡ của mối duyên Chí Phèo - Thị Nở đang được tái dựng tại đây. Theo kế hoạch, Tết này, khán giả cả nước sẽ gặp lại Chí Phèo trong “phiên bản” mới. Trước khi bộ phim quay những cảnh cuối cùng, PV Báo SGGP 12 Giờ đã trao đổi với đạo diễn Phạm Đông Hồng…

ª Từ một câu chuyện đậm chất bi kịch, phim truyện nhựa hài “Chí Phèo và những người bạn” có phải là liệu pháp gây sốc?

° Tết năm ngoái, chúng tôi đã bước đầu thử nghiệm với đĩa “Hài xuân 2007” quy tụ rất nhiều danh hài Bắc- Nam. Năm nay, bộ phim này sẽ là một bước nhấn để có một sản phẩm đàng hoàng phục vụ khán giả trong mùa phim Tết Mậu Tý. Tất nhiên, yếu tố gây hài vẫn là chủ đạo. “Chí Phèo và những người bạn” chắc chắn sẽ khiến khán giả cười thỏa thích khi được sống lại với những tệ nạn cổ hủ lạc hậu ở nông thôn thời trước cách mạng qua những mảng miếng tung hứng độc đáo của các nghệ sĩ.

ª Trước đây, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã rất thành công với bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, giúp Chí Phèo đường hoàng bước lên màn ảnh. Liệu Chí Phèo “tân thời” trong phim này có vượt qua được hình ảnh ấy?

° Nhiều người hỏi tôi, liệu có thể sẽ làm gì thêm được nữa với một truyện ngắn Chí Phèo đã quá hoàn hảo của nhà văn Nam Cao. Nhưng họ đã lầm, còn rất nhiều những nhân vật phụ khác trong truyện mà nếu làm bật lên cho tròn đầy, thì chúng ta còn rất nhiều cái hay để nói về cuộc sống ở làng xã thời phong kiến.

Phim của chúng tôi là một phiên bản mới. Trên cái nền của truyện ngắn Chí Phèo, chúng tôi đã phóng tác đưa vào phim nhiều chi tiết có thật liên quan đến cuộc đời của các nhân vật trong phim. Có những nhân vật trong truyện xuất hiện mờ nhạt, thậm chí chỉ được đề cập trong 1-2 dòng, trong phim này sẽ có số phận dày dặn hơn, tính cách sắc nét hơn, có vị trí trong đường dây các quan hệ chằng chéo giữa các nhân vật ở làng Vũ Đại. Đó là các nhân vật: Tự Lãng, vợ Binh Chức, gia đình nhà Bá Kiến...

Chọn thể loại hài cho bộ phim đậm chất bi kịch về “anh Chí”, chúng tôi buộc phải “phá cách” những gì đã quen thuộc với những độc giả đã đọc truyện ngắn này. Để có quyền phóng tác và phá cách, các nhà làm phim đã về Nam Định gặp người con gái cả của nhà văn Nam Cao để xin phép, trình bày ý tưởng và gửi tiền tác quyền văn học. Thông qua bà và những người họ hàng, hàng xóm của nhà văn Nam Cao, các nhà làm phim đã góp nhặt thêm được nhiều chi tiết phục vụ cho việc “mở rộng truyện ngắn”...

ª Ông có thể tiết lộ đôi chút về dàn diễn viên của phim?

° Trong dàn diễn viên hài tham gia vào bộ phim này, Trung Hiếu là gương mặt khiến nhiều người ngỡ ngàng hơn cả. Bên cạnh một Quốc Anh vừa thâm hiểm vừa nhố nhăng trong vai Bá Kiến, một Công Lý khá đểu giả, ngang ngạnh với vai Tự Lãng thì vẻ hiền lành của Trung Hiếu khiến những ai hiểu rõ “chất” của anh sẽ hơi cảm thấy lo lắng. Nhưng xem Trung Hiếu đóng Chí Phèo, nỗi lo lắng đã dần tan biến. Anh cặp đôi với nghệ sĩ Thúy Nga trong vai Thị Nở cũng rất nhuyễn và cũng hài ra trò.
 
ª Khoản kinh phí 3 tỷ đồng có phải là khá dư dả với một bộ phim hài?

° Nếu một bộ phim hài bình thường thì kinh phí như vậy là khá ổn, song với “Chí Phèo và những người bạn” thì không chỉ tôi mà cả đoàn làm phim đều cảm thấy như “muối bỏ bể”. Phần nặng gánh nhất chính là xây dựng các bối cảnh trong phim bởi đây không phải là một bộ phim ở thời  hiện đại. Tất cả các đạo cụ trong phim đều phải được chuẩn bị sao cho người xem nhận thấy nó đúng là của những năm đầu thế kỷ và đúng thực là làng Vũ Đại của Nam Cao chứ không nhầm với bất cứ một ngôi làng nào khác.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục