Chiều 5-10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm Nghị quyết 128/NQ-CP - chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định.
Ngày 11-10-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Các chuyên gia tham gia tọa đàm đều cho rằng, đây là những quyết định cân não, quan trọng và mạnh mẽ, thể hiện sự sáng suốt, quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, đưa đất nước chuyển sang giai đoạn mới vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Các quyết định sáng suốt mang tầm chiến lược đã chứng minh hiệu quả trong phục hồi và phát triển kinh tế để đưa Việt Nam là một trong những điểm sáng nổi bật trong phát triển kinh tế sau đại dịch.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, kết quả tăng trưởng trong quý 3 năm nay với con số 13,67% không phải con số ngẫu nhiên mà là sự tăng trưởng thực chất của nền kinh tế do nền kinh tế của chúng ta đang phục hồi. Nghị quyết 128 đã đặt nền móng rất lớn, là bước ngoặc quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế như hiện nay.
Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cũng đánh giá, Việt Nam đã rất thành công trong việc quản lý các thách thức toàn cầu trong thời gian qua, bao gồm đại dịch tiếp diễn, sự suy thoái mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu và lạm phát kéo dài.
Còn TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nếu như so sánh cách ứng phó với khủng hoảng, đặc biệt là trước đây có cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, 2008, nổi lên điểm khá khác biệt, đó là tính chủ động của chúng ta, đã được cải thiện, được thực thi rất tốt. Việt Nam xây dựng Chương trình phòng chống dịch cũng như phục hồi phát triển kinh tế ở một tư thế chủ động, bài bản hơn dựa trên tính chất khoa học, cân đối với nguồn lực, bối cảnh của Việt Nam. Tư duy của chúng ta bắt đầu chuyển từ trạng thái theo sự việc ngắn hạn sang bài bản hơn, chiến lược hơn; các biện pháp giải quyết tình huống trước mắt cũng đã tính đến tác động và những câu chuyện dài hạn hơn.
Đây là bài học để có thể ứng phó kịp thời, hiệu quả với những cuộc khủng hoảng tiếp theo. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Việt Nam đã rất thành công trong chiến lược vaccine. Dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân trở lại bình thường, trẻ em được vui chơi, đến trường học tập an toàn.
Từ thực tiễn hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, dịch bệnh dự báo còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Hiện dù dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, nhưng số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có xu hướng gia tăng. “Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi còn thấp; hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm theo thời gian; nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu”, Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo.
Bên cạnh đó, dịch bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan đang xâm nhập là không thể tránh khỏi. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác đang lưu hành tại Việt Nam như sốt xuất hyết, tay chân miệng, Adenovirus. Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và nghiên cứu, triển khai tiêm ngay cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi khi có đủ cơ sở khoa học.
TS Phan Đức Hiếu thì cho rằng, hiện nay dịch bệnh chưa kết thúc và khó khăn của doanh nghiệp cũng chưa kết thúc. Do đó, cần sớm kết thúc những khó khăn về thể chế. “Trong lúc có dịch, Thủ tướng Chính phủ đã nói rất rõ là không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trừ khi có những vi phạm rõ ràng. Sau đại dịch, doanh nghiệp cần thêm thời gian để phục hồi, do đó vẫn nên tiếp tục chính sách này, vì có những việc có thể không tuân thủ 100% theo quy định nhưng vẫn mang lại kết quả tốt. Phải làm sao việc xử lý sau đại dịch ít tạo ra những tác động tiêu cực đến người dân và doanh nghiệp”, TS Phan Đức Hiếu nêu quan điểm.
Theo ông, chúng ta có nhiều chính sách rồi nhưng việc thực thi chính sách phải đầy đủ, kịp thời, toàn diện. Khi chính sách không toàn diện, doanh nghiệp không được tiếp cận công bằng sẽ tạo ra sự méo mó…
Tính đến cuối tháng 8-2022, Trung ương và các địa phương đã dành gần 87.000 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho 857.000 lượt lao động, gần 56 triệu người lao động và các đối tượng khác. |