Hai xu hướng đáng ngại
Theo số liệu của Liên hiệp quốc, hiện có 82 quốc gia, chiếm gần một nửa dân số thế giới, đang có tỷ lệ sinh dưới mức thay thế (2 con/phụ nữ). Liên quan đến hậu quả của suy giảm nhân khẩu học và già hóa dân số, đặc biệt là liên quan đến tăng trưởng kinh tế, quốc phòng, lương hưu và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, ngày càng nhiều chính phủ đang tìm cách tăng tỷ lệ sinh. Cách đây gần 40 năm, có 13 quốc gia đưa ra chính sách nâng cao tỷ lệ sinh sản; nay con số này đã tăng lên 56, chiếm hơn một phần ba dân số thế giới.
Nếu tỷ lệ sinh vẫn không đổi, sự suy giảm và lão hóa sẽ còn rõ rệt hơn dự kiến hiện tại. Trong nỗ lực chống lại hai xu hướng nhân khẩu học chính đó, nhiều chính phủ đã áp dụng các chính sách khác nhau để thúc đẩy hôn nhân, sinh con và nuôi dạy con cái thông qua các chiến dịch quan hệ công chúng, khuyến khích và ưu đãi. Các chương trình như vậy nêu bật vai trò quan trọng của việc làm mẹ và đóng góp có giá trị của nó đối với phúc lợi và tăng trưởng của đất nước.
Các chính sách phát sinh phổ biến nhất nhằm giảm chi phí tài chính đáng kể của cha mẹ cho việc sinh con và nuôi con. Những chính sách này bao gồm thưởng tiền mặt tại thời điểm đứa trẻ chào đời và/hoặc bổ sung tiền mặt định kỳ cho trẻ em phụ thuộc. Ví dụ, ở Thổ Nhĩ Kỳ, cha mẹ được hưởng 300 lira Thổ Nhĩ Kỳ (108 USD) cho việc sinh con đầu lòng, 144 USD cho lần thứ hai, 215 USD cho lần thứ ba và bất kỳ lần tiếp theo nào. Các chính sách bổ sung, đặc biệt phổ biến ở nhiều nước phương Tây, tập trung vào việc tạo ra trách nhiệm việc làm và gia đình, tương thích với các cặp vợ chồng đang làm việc, đặc biệt là các bà mẹ.
Ngoài thời gian nghỉ thai sản kéo dài cũng như các biện pháp khác, như làm việc bán thời gian, giờ làm việc linh hoạt, làm việc tại nhà và nơi làm việc thân thiện với gia đình, bao gồm vườn ươm, cũng như các cơ sở chăm sóc trước khi đến trường và sau giờ học.
Châu Âu khuyến sinh bằng hỗ trợ tài chính
Với chế độ an sinh xã hội tốt, các quốc gia Bắc Âu từ lâu có tỷ lệ sinh đẻ gần như không thay đổi gì. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, vấn đề lão hóa dân số đang nổi lên nhanh chóng và trở thành mối đe dọa chính mô hình phúc lợi vốn phụ thuộc nhiều vào tiền thuế của người dân ở những nước này.
Ông Trude Lappegard, chuyên gia xã hội học thuộc Đại học Oslo, Na Uy cho biết, để duy trì ổn định dân số, tỷ lệ sinh tại khu vực Bắc Âu cần giữ ở mức 2,1 em bé/phụ nữ. Nhưng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tỷ lệ này bắt đầu có sự suy giảm rõ rệt. Đến năm 2017, các nước như Na Uy, Phần Lan và Iceland đã ghi nhận tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, từ 1,49 đến 1,71 em bé/phụ nữ và đang tiếp tục giảm. Kết quả khảo sát nhân khẩu học trong khu vực Bắc Âu cho thấy, các gia đình đông con và phụ nữ trẻ mang thai ngày càng thấp, trong khi số người lập gia đình muộn hoặc không muốn có con tăng mạnh. Các chuyên gia cho rằng, sự bất ổn về tài chính và chi phí nhà ở quá cao là hai nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng trên.
Lo ngại về ảnh hưởng của lão hóa dân số lên nền kinh tế, các nhà chức trách Bắc Âu đang tích cực thực hiện các biện pháp khuyến khích sinh đẻ. Hỗ trợ tài chính là biện pháp được áp dụng nhiều nhất, khi có nơi trao tặng 10.000 euro cho mỗi em bé ra đời. Tại Na Uy, có ý kiến cho rằng, nên trợ cấp cho các bà mẹ 50.000 euro khi sinh mỗi đứa con.
Ngoài ra, giải pháp dựa vào người nhập cư đến các nước châu Âu cũng được dùng tới, tuy còn nhiều bất cập. Tại Thụy Điển, nhờ đã rộng cửa chào đón dòng người nhập cư từ châu Phi, Trung Đông và vùng Balkans, tỷ lệ sinh đẻ của nước này đứng thứ 2 châu Âu với mức 1,85 em bé/phụ nữ vào năm 2016. Dòng người nhập cư đã cung cấp một số lượng lớn người trong độ tuổi lao động đến làm việc và đóng thuế nhưng cũng làm dấy lên vấn đề về việc những gia đình nhập cư có xu hướng sinh nhiều con hơn so với người bản xứ.
Châu Á hỗ trợ tài chính, sáng kiến phúc lợi
Ở khu vực Đông Á, các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang chạy đua nước rút nhằm trẻ hóa dân số. Năm 2018, bình quân một phụ nữ Nhật sinh 1,42 con. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và Dân số Quốc gia Nhật Bản năm 2015, dân số khoảng 127 triệu người của đất nước có thể giảm xuống dưới 100 triệu vào năm 2049 và 82 triệu vào năm 2065. Chính phủ Nhật đã đưa ra một số biện pháp để các bà mẹ đi làm cân bằng cuộc sống tốt hơn. Chính phủ yêu cầu các công ty gồm hơn 300 nhân viên đề ra mục tiêu tuyển dụng hoặc thăng chức cho nhân viên nữ. Năm 2017, Nhật đầu tư 2.000 tỷ yen (18,47 tỷ USD) vào gói trợ cấp cho chăm sóc người già và giáo dục trẻ em. Trường mầm non công miễn phí cho trẻ em 3-5 tuổi và cả trẻ dưới độ tuổi đó đối với gia đình có thu nhập thấp.
Một số thị trấn và đô thị ở Nhật Bản còn đưa ra những biện pháp đặc biệt. Thị trấn Nagi đã tăng tỷ lệ sinh từ 1,4 năm 2004 lên khoảng 2,8 vào năm 2014, bằng cách tặng tiền các bà mẹ mới sinh cũng như các khoản trợ cấp cho chăm sóc trẻ em, nhà ở, y tế và giáo dục. Các gia đình nhận 100.000 yen (879 USD) khi sinh con đầu lòng, 150.000 yen (1.300 USD) khi sinh con thứ hai và khoảng 400.000 yen (3.500 USD) cho lần sinh thứ năm.
Năm 2018, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc thấp kỷ lục, bình quân mỗi phụ nữ sinh 0,98 con, chưa bằng một nửa so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định. Trong 6 năm tới, Hàn Quốc được dự đoán trở thành xã hội siêu già. Đây được coi là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nước này.
Kể từ năm 2006, chính phủ Hàn Quốc chi 152,9 nghìn tỷ won (128,5 tỷ USD) để tăng tỷ lệ sinh. Thông qua chương trình trợ cấp nhà nước, các cặp vợ chồng sắp có em bé được nhận 500.000 won (420 USD) để trang trải chi phí trước khi sinh và khoản trợ cấp 89,90 USD/tháng dành cho phụ huynh có con dưới 5 tuổi. Trung bình, người Hàn Quốc làm việc 2.113 giờ/năm - nhiều thứ hai trong số các quốc gia khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Chính phủ Hàn Quốc đã nhận ra tác động của điều này đối với thời gian hẹn hò của thanh niên nên số giờ làm việc trong tuần đã được cắt giảm từ 68 giờ xuống còn 52 giờ.
Bộ Y tế Hàn Quốc cũng có những biện pháp khuyến khích nhân viên sinh con, bao gồm tặng tiền mặt cho những người có nhiều hơn hai con. Một số chính quyền địa phương còn vận hành dịch vụ mai mối để tăng tỷ lệ sinh. Cuối năm ngoái, chính quyền thành phố Seoul thông báo sẽ hỗ trợ nhà ở cho gần 25.000 cặp vợ chồng mới cưới mỗi năm, thông qua sáng kiến phúc lợi 3,1 nghìn tỷ won (2,6 tỷ USD). Các cặp vợ chồng không sở hữu nhà, đã kết hôn được 7 năm và thu nhập tổng hàng năm dưới 100 triệu won được nhận khoản vay lên tới 200 triệu won với lãi suất thấp. Các cặp vợ chồng có nhiều con sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi.
Tại Trung Quốc, năm 2016, số em bé chào đời cao kỷ lục, ở mức 17,9 triệu. Nhưng số ca sinh đã liên tiếp giảm xuống 17,2 triệu năm 2017, 15,2 triệu năm 2018 và 14,6 năm 2019. Dân số trong độ tuổi lao động 16-59 tuổi là 896,4 triệu vào năm 2019, chiếm 64% tổng dân số; trong khi số người trên 60 tuổi là 253,8 triệu người, tương đương 18%. Tỷ lệ sinh năm ngoái ở mức 10,48 trẻ trên 1.000 người, thấp nhất kể từ năm 1949. Nhiều tỉnh thành Trung Quốc đã thành lập các trung tâm và nền tảng trực tuyến chỉ dẫn sinh sản, để cung cấp dịch vụ thuận tiện cho các cặp vợ chồng trẻ.
Năm 2019, mỗi cặp vợ chồng được khấu trừ 1.000 Nhân dân tệ (khoảng 148 USD) mỗi tháng từ thu nhập chịu thuế khi nuôi con từ bậc mẫu giáo cho đến tiến sĩ. Các chính quyền địa phương đã sáng tạo nhiều biện pháp để khuyến khích kết hôn và sinh sản. Thành phố Nghi Xương ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc miễn chi phí sinh nở cho bà mẹ sinh con thứ hai. Thành phố Tiên Đào ở Hồ Bắc tặng các cặp vợ chồng 1.200 Nhân dân tệ (179 USD) nếu sinh con thứ hai. Tại Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Sơn Tây, chính quyền năm 2018 đưa ra gói trợ cấp hôn nhân. Các cặp vợ chồng sắp cưới được chính quyền hỗ trợ 5% chi phí chụp ảnh cưới.