Với trên 92% số ĐBQH đồng ý, sáng 20-6, Quốc hội đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Không thành lập Quỹ bồi thường độc lập
Giải trình tiếp thu về nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, về nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước, đa số ý kiến đề nghị cần kế thừa nguyên tắc bồi thường như quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành và các luật có liên quan; đồng thời đề nghị, người bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường.
Tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng kế thừa các quy định về kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình tố tụng hành chính, tố tụng hình sự; đồng thời, quy định người bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường.
Hơn nữa, giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại cũng là cơ chế giải quyết theo thủ tục hành chính, do đó nên tập trung vào một cơ chế giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại. Vì vậy, luật không quy định việc kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại.
Đối với việc thành lập Quỹ bồi thường độc lập, UBTVQH cho rằng việc thành lập Quỹ sẽ dẫn tới phát sinh tổ chức bộ máy, không phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế hiện nay và cũng không phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước.
Chỉ bồi thường thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết
Về bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự kể cả trong trường hợp người đó còn sống.
Bởi vì trên thực tế, người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự cũng chịu những tổn thất nghiêm trọng về mặt tinh thần mà không phụ thuộc vào việc người bị oan còn sống hay đã chết.
Tuy nhiên, UBTVQH cho biết, dự thảo Luật quy định việc bồi thường thiệt hại về tinh thần chỉ trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết. Quy định như vậy là kế thừa quy định của Luật hiện hành, đồng thời phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.
Hơn nữa, bồi thường thiệt hại về bản chất là bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại, nhưng trong trường hợp người đó đã chết thì người thừa kế được hưởng.
Vì vậy, nếu quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người đó còn sống thì không hợp lý và dễ phát sinh phức tạp trong quá trình thực hiện.
Mặt khác, vấn đề này chưa được tổng kết, đánh giá tác động và nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị, đối với thiệt hại về tinh thần thì nhà nước bồi thường, đồng thời tiến hành cải chính, xin lỗi công khai người bị oan mà không cần có yêu cầu của họ.
UBTVQH cho rằng, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín thuộc nhóm quyền nhân thân không gắn với tài sản.
Khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự quy định “Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”.
Như vậy, việc xin lỗi, cải chính công khai luôn gắn với quyền yêu cầu của người bị thiệt hại. Với tính chất của một quyền nhân thân thì bên có nghĩa vụ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên có quyền thực hiện quyền yêu cầu của mình.
Quy định cơ quan nhà nước chủ động tiến hành xin lỗi, cải chính công khai mà không cần yêu cầu từ phía người bị oan sẽ làm ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt về quyền nhân thân của người bị oan.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, để thể hiện trách nhiệm của nhà nước đối với hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người bị oan, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan bổ sung quy định: khi thụ lý hồ sơ, trường hợp trong văn bản yêu cầu bồi thường không có yêu cầu phục hồi danh dự thì cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm làm rõ người bị thiệt hại có yêu cầu phục hồi danh dự hay không.
UBTVQH cũng cho biết, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn về mức hoàn trả căn cứ vào yếu tố lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người thi hành công vụ.
Một trong những điểm mới của luật sửa đổi là diện người được trợ giúp pháp lý đã bao quát và mở rộng hơn so với luật hiện hành, tăng từ 7 nhóm (theo Chính phủ trình) lên 14 nhóm người.
Cụ thể những nhóm người sau đây thuộc diện được trợ giúp pháp lý:
- Người có công với cách mạng.
- Người thuộc hộ nghèo.
- Trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng.
- Người dân tộc thiểu số thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
- Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.
- Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: người cao tuổi; người khuyết tật; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; nạn nhân của hành vi mua bán người; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; người nhiễm chất độc da cam/dioxin; người nhiễm HIV/AIDS.
Các đối tượng trên sẽ trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.