Vào lúc 18 giờ ngày 25-4, chị Nguyễn Hướng Dương, Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù, Giám đốc Quỹ Từ thiện sách nói dành cho người mù TPHCM đã đột ngột qua đời ở tuổi 47.
Chị Hướng Dương, tên thật là Nguyễn Hướng Dương, sinh năm 1971. Năm vừa tròn 25 tuổi, sau một tai nạn giao thông, chị đã mất đi đôi chân của mình. Không chấp nhận số phận, Hướng Dương đã lựa chọn con đường mới của mình là giúp đỡ các em nhỏ bị tật nguyền, khiếm thị.
Từ những công việc giúp đỡ ban đầu, nhận thấy các em có nhu cầu rất lớn đối với tri thức nhất là thông qua sách, trong khi đó sách cho người khiếm thị như sách chữ nổi, sách nói còn quá ít. Hướng Dương đã trở thành một trong những người đi đầu xây dựng thư viện sách nói cho các em khiếm thị.
Chị Hướng Dương trong một lần thu âm sách nói Từ cơ sở đơn sơ, hạn chế ban đầu, dần dần thư viện sách nói của chị đã được biết đến, nhận được sự ủng hộ, chung tay chia sẻ của cộng động, chính quyền mà nổi bật nhất là việc UBND TPHCM đã cấp căn nhà số 18B đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1 làm trụ sở cho thư viện sách nói vào năm 2015.
Tuy nhiên, lúc đó ngôi nhà được giao là một căn nhà xuống cấp, chị Hướng Dương cùng các bạn bè, đồng nghiệp đứng ra kêu gọi được ủng hộ giúp đỡ xây dựng thư viện mới.
Cuối tháng 11-2017, Thư viện sách nói dành cho người mù đầu tiên của cả nước đã chính thức đi vào hoạt động với tổng diện tích 632m2, trang bị 5 phòng thu âm chất lượng cao, phòng sản xuất sách nói, phòng đào tạo tin học, phòng dạy cờ vua… Kinh phí xây dựng thư viện ước tính khoảng 7,5 tỷ đồng, do 176 nhà hảo tâm hỗ trợ, từ tiền mặt đến cả công sức thiết kế, vật liệu, trang bị thi công…
Đến nay, thư viện đã thực hiện được hơn 1.800 đầu sách nói, cung cấp hơn 402.000 bản sách nói dưới dạng băng cassette và CD đến 103 đơn vị, hội, trường, mái ấm… của người mù trên cả nước cùng với khoảng 16,7 triệu lượt người truy cập trên trang web chính thức của thư viện.
Phòng xử lý âm thanh trong thư viện sách nói Ngoài ra, thư viện còn có nhiều hoạt động đa dạng khác như tổ chức Học bổng Ánh Sen với hơn 2.400 suất; Học bổng Hướng Dương với 697 suất và 161 máy tính xách tay. Từ hỗ trợ của thư viện, đã có 208 học sinh mù đậu đại học, cao đẳng, 4 sinh viên đậu thạc sĩ.
Bên cạnh đó, thư viện còn tổ chức các hoạt động như du lịch miễn phí Thắp sáng niềm tin; Dạy tin học cho người mù; Tặng cây gậy dò đường…Chính nhờ những đóng góp đó, với vai trò là người đi tiên phong, Hướng Dương đã nhận được nhiều tôn vinh mà gần đây nhất, chị là 1 trong 30 cá nhân và tập thể được tôn vinh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới”.
Hướng Dương ra đi đầy bất ngờ, để lại nhiều dang dở, nhiều kế hoạch đang ấp ủ thành hình vì những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ còn vài tháng nữa, Thư viện sách nói dành cho người mù sẽ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập từ ý tưởng ban đầu của chị Hướng Dương.
Không chỉ dành cho những người khiếm thị, những cuốn sách nói của chị còn đến với rất nhiều trẻ em khác, góp phần không nhỏ xây dựng ở các em tình yêu với sách, niềm đam mê đọc sách.
Cái tên “Chị Hướng Dương” ở đầu những cuốn sách nói đã trở nên quen thuộc đến nỗi một thời gian dài, người ta cứ quen gọi thư viện sách nói là Thư viện Hướng Dương còn những đứa trẻ muốn nghe sách nói cũng sẽ nhắc đến “muốn nghe chị Hướng Dương kể truyện”.
Thư viện sách nói nay đã khang trang, hiện đại nhưng người góp phần quan trọng xây dựng nên nay đã không còn nữa.
Tang lễ chị Hướng Dương
Lễ nhập quan vào lúc 0 giờ ngày 27-4-2018, lễ viếng từ 8 giờ ngày 27-4-2018 tại trụ sở Thư viện sách nói dành cho người mù (18B Đinh Tiên Hoàng quận 1, TPHCM).
Lễ truy điệu và động quan lúc 7 giờ ngày 28-4-2018, sau đó đưa đi hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Đa Phước - Bình Chánh, TPHCM.
XUÂN THÂN