Chỉ hơn 30 người trong số 30.000 bị hại tới phiên xét xử liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết

Liên quan tới phiên xét xử ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC - Tập đoàn FLC) và 49 bị cáo, trong phần thủ tục phiên tòa, nhiều luật sư đề nghị hội đồng xét xử cho thân chủ của họ được sử dụng giấy bút và được ngồi nghe đại diện viện kiểm sát công bố cáo trạng vì lý do sức khỏe. Hội đồng xét xử đồng ý cung cấp giấy bút và cho biết sẽ xem xét đề nghị liên quan đến vấn đề sức khỏe của các bị cáo.

Tại phiên tòa, theo thông báo của chủ tọa, tòa đã cho triệu tập hơn 30.000 bị hại tới phiên xét xử. Tuy nhiên, sáng cùng ngày, theo ghi nhận của phóng viên, chỉ có hơn 30 bị hại tới tòa. Mặc dù trước đó, tòa đã cho dựng rạp với hàng ngàn chỗ ngồi để các bị hại theo dõi phiên tòa.

Một trong số đó có anh Lê Ngọc Nông (46 tuổi, quê ở Quảng Nam). Theo anh Nông, trước khi vụ án xảy ra, anh đã đầu tư 14 tỷ đồng vào 3 mã cổ phiếu của Tập đoàn FLC.

Nog.jpg
Anh Lê Ngọc Nông chăm chú theo dõi phiên tòa qua màn hình lớn phía ngoài. Ảnh: GIA KHÁNH

Anh Nông cho biết, để có thể dự phiên tòa, anh mất 17 tiếng di chuyển bằng tàu hỏa từ TP Đà Nẵng ra TP Hà Nội. Anh không dám đi máy bay vì vé quá đắt.

Về số tiền đầu tư trên, anh Lê Ngọc Nông nói đó là công sức tích góp, tiết kiệm trong gần 30 năm làm lụng, đồng thời vay mượn bạn bè, người thân và ngân hàng. Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, cổ phiếu bị hủy niêm yết, đình chỉ giao dịch, gia đình anh Nông phải vay mượn các nơi để trả lãi ngân hàng. Tới nay, gia đình anh đã phải bán nhà để trả nợ.

"Tôi không dám đi máy bay nên chọn đi tàu cho rẻ. Ra Hà Nội, tôi không có ai thân quen nên đã thuê một phòng trọ nhỏ cách tòa hơn 2km", anh Nông cho biết và mong muốn tòa xử đúng người, đúng tội, trả lại tiền cho các nhà đầu tư.

z5656520601034_ec96b097868a6c2262341e2e15cdf1e4.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: GIA KHÁNH

Quá trình kiểm tra căn cước các bị cáo, không có bị cáo nào có đề nghị thay đổi những người thực hiện công tác tố tụng tại phiên tòa.

Trước khi đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đọc bản cáo trạng dài hơn 100 trang, bị cáo Lê Văn Tuấn (Kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội- CPA) đề nghị tòa triệu tập các ông bà Trần Thế Linh, Lê Văn Giò và Đỗ Mạnh Hà đến tòa để đối chất. Đây là những cá nhân tại CPA.

z5656520931531_5647a571ee4e94ae18a7404da0fc4ec6.jpg
Hội đồng xét xử phiên tòa. Ảnh: GIA KHÁNH

Trước yêu cầu này, hội đồng xét xử cho biết đã cho triệu tập 3 người này, nhưng họ vắng mặt. Theo thông báo, do phiên tòa diễn ra trong nhiều ngày, nên sẽ cho triệu tập nếu thấy cần thiết.

Tại bản cáo trạng, bị cáo Lê Văn Tuấn bị cáo buộc là người chịu trách nhiệm trực tiếp thu thập hồ sơ, tài liệu để đánh giá, kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh theo các báo cáo tài chính của Công ty Faros; được Nguyễn Ngọc Tỉnh (Tổng Giám đốc CPA) phân công trực tiếp thực hiện cuộc kiểm toán tại Công ty Faros.

Quang canh.jpg
Quang cảnh phiên xét xử. Ảnh: GIA KHÁNH

Tuy nhiên, bị cáo Lê Văn Tuấn không thu thập đầy đủ bằng chứng xác thực về vốn góp, sử dụng vốn góp và khả năng thu hồi các khoản ủy thác đầu tư của Công ty Faros nhưng vẫn ký các báo cáo tài chính kiểm toán chấp nhận toàn phần với số vốn thực góp của Công ty Faros là 4.300 tỷ đồng. Hành vi của bị cáo Lê Văn Tuấn đã giúp sức để ông Trịnh Văn Quyết hoàn thiện hồ sơ niêm yết cổ phiếu ROS (mã cổ phiếu của Công ty Faros) trên sàn chứng khoán, bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Quyết.JPG
Ông Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa. Ảnh: GIA KHÁNH

Trong suốt giai đoạn điều tra, kết luận điều tra vụ án, bị cáo Lê Văn Tuấn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trong giai đoạn truy tố, bị cáo Tuấn thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi phạm tội, không thừa nhận đã thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của Công ty Faros và không thừa nhận ký báo cáo kiểm toán nhưng không cung cấp được bằng chứng chứng minh cho lời khai của mình là khách quan, đúng sự thật.

Đầu giờ chiều nay, đại diện viện kiểm sát tiếp tục công bố bản cáo trạng.

Theo cáo trạng, với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích riêng, ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi gian dối tăng khống vốn góp chủ sở hữu tại Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, sau đó hoàn thiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu tương ứng với giá trị vốn góp khống của Công ty Faros trên sàn chứng khoán; sử dụng sàn giao dịch chứng khoán TPHCM làm công cụ, phương tiện bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Với động cơ, mục đích, thủ đoạn nêu trên, ông Trịnh Văn Quyết đã bán 391 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông Quyết còn bị cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán qua 5 mã cổ phiếu, thu lợi bất chính số tiền 723 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục