Vợ chồng anh Thông trọ nhiều năm nay tại khu nhà trọ ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TPHCM với giá thuê 1 triệu đồng/tháng chưa bao gồm tiền điện nước. Anh làm nghề tự do, chị làm công nhân ở khu công nghiệp Lê Minh Xuân. Dịch bệnh dần qua, chưa kịp vui mừng với khoản thu nhập có được khi đi làm trở lại thì cơn bão giá ập tới. Cùng số tiền như trước nhưng thực phẩm mua được giảm đi khoảng một phần ba. Sắp tới đây, con anh chị lại vào lớp 1. Gia đình thắt lưng buộc bụng đủ đường nhưng vẫn thiếu trước hụt sau.
Hồi cuối tháng 5 khi được công ty phát mẫu tờ khai nhận hỗ trợ tiền thuê trọ, vợ chồng anh mừng lắm và mong ngóng chờ nhận hỗ trợ. Tính qua tính lại, chị sẽ được hỗ trợ 3 tháng tiền trọ, mỗi tháng 500.000 đồng, tổng cộng là 1,5 triệu - số tiền không nhỏ với gia đình.
Nỗi niềm mong chờ tiền hỗ trợ có lẽ không chỉ riêng vợ chồng anh Thông. Thống kê sơ bộ TPHCM có khoảng 1,1 triệu người lao động thuộc diện được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Vậy nhưng đến nay, các địa phương vẫn chưa thể chi trả được cho người lao động.
Theo Quyết định 08, người lao động đang làm việc nhận hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng). Mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng). Việc chi hỗ trợ thực hiện theo quy trình chặt chẽ, trong đó có công đoạn cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và có sự thẩm định điều kiện nhận hỗ trợ của UBND cấp huyện. Theo quy trình này, nếu ở từng công đoạn thực hiện nghiêm túc thì người lao động có thể nhận được tiền hỗ trợ chỉ sau khoảng 13 ngày làm việc kể từ khi doanh nghiệp tổng hợp được danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ.
Trước yêu cầu đảm bảo công tác an sinh xã hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký công điện yêu cầu việc chi trả theo Quyết định 08 phải hoàn thành trong tháng 8. Như vậy, đến nay việc triển khai vẫn chưa bị coi là trễ so với tiến độ. Song so với thực tế đời sống của người dân, tiến độ ấy đã có độ trễ nhất định.
Tại TPHCM, thực tế ghi nhận một số khúc mắc của doanh nghiệp về xác định đối tượng thụ hưởng. Khi được lãnh đạo Sở LĐTB-XH giải thích, hướng dẫn, các doanh nghiệp đã triển khai nhanh chóng. Điều đó cho thấy sự hướng dẫn chi tiết để thông suốt từ trên xuống dưới là rất cần thiết. Đồng thời, để tiền hỗ trợ nhanh chóng đến tay người lao động đòi hỏi tinh thần trách nhiệm rất cao ở từng khâu. Trong đó, các doanh nghiệp cần thông báo, giải thích để người lao động chủ động điền giấy đề nghị và lập danh sách cũng như chủ động thực hiện các bước, không để dồn hồ sơ vào những ngày cuối dễ bị ùn ứ, chậm tiến độ.
Mức chi tiêu trong thời buổi bình thường mỗi ngày một tăng cao. Từ lít xăng đổ vào xe để di chuyển đến hàng loạt hàng hóa thiết yếu đều tăng giá và cả mớ rau, quả trứng thuộc hàng bình ổn giá tại TPHCM cũng đã không thể “bình ổn” trong cơn “bão giá”. Người lao động rất cần được trợ lực đúng lúc để an tâm lao động sản xuất, góp phần cho công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tránh thiếu sót và chi hỗ trợ kịp thời trong lúc công nhân, người lao động đang chật vật trong cơn bão giá còn có tác dụng phát huy đầy đủ, hiệu quả và cả tính nhân văn của chính sách an sinh xã hội.