Gấp rút triển khai
Khác với gói hỗ trợ lần 1 vào năm 2020 - người lao động (NLĐ) phải làm các thủ tục giấy tờ mới được hưởng hỗ trợ, năm nay, NLĐ không phải làm giấy tờ gì. Trách nhiệm làm thủ tục sẽ do chủ sử dụng lao động và cơ quan hành chính ở địa phương thực hiện. Đây là một sự thay đổi lớn trong tư duy thiết kế chính sách hỗ trợ của TPHCM: giảm tính xin - cho, tăng trách nhiệm và bảo vệ lòng tự tôn, tự trọng của người nhận hỗ trợ (người dân không phải cất công đi xin mới được hưởng hỗ trợ).
Ghi nhận của PV Báo SGGP tại các địa phương trên địa bàn thành phố cho thấy, các nơi này đang gấp rút triển khai gói hỗ trợ.
Tại huyện Nhà Bè, theo thống kê sơ bộ trên địa bàn huyện, nhóm NLĐ bị ảnh hưởng việc làm thuộc diện hỗ trợ dịp này có hơn 4.300 người, với số tiền dự kiến hơn 6,8 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là nhóm NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với hơn 3.400 người; tiếp đến là 729 NLĐ trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Con số này tạm thời chưa bao gồm các lao động trong Khu công nghiệp Hiệp Phước.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Lê Thị Anh Thư cho biết, huyện đang tiếp tục rà soát, thống kê về các nhóm lao động dự kiến được hỗ trợ. Hiện nay ở địa phương, cùng với các công việc như lấy mẫu xét nghiệm đại trà, tiêm ngừa, phong tỏa, cách ly các khu vực có ca mắc Covid-19, cán bộ ở cơ sở cũng đang nỗ lực để triển khai sớm nhất các chính sách hỗ trợ của TPHCM và gói hỗ trợ của Chính phủ.
Tại quận 1, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Mai Thị Hồng Hoa cho biết, hiện nay, danh sách hỗ trợ các trường hợp ở các phường trên địa bàn quận đã lập xong, cũng như kiểm tra tính xác thực của người được hưởng. Các quận, huyện cho rằng, việc cấp phát tiền hỗ trợ có một số khó khăn nhất định. Chẳng hạn, theo quy định hiện nay thì trong 7 ngày từ lúc nộp hồ sơ, lao động tự do sẽ được nhận tiền hoặc văn bản từ chối, nhưng với trường hợp trong các khu phong tỏa, cách ly thì sẽ khó chi trả. Vì vậy, quận, huyện đề xuất nên giao cho quận, huyện chủ động tiến độ thực hiện, đảm bảo chi trả kịp thời đến người được thụ hưởng.
Làm nhanh khâu xác nhận tạm trú
Tại huyện Bình Chánh (địa phương có đông người dân nhập cư, lao động tự do), con số lao động tự do được hỗ trợ dịp này dự kiến không nhỏ. Hiện nay, công tác rà soát thống kê số liệu đang gấp rút triển khai.
Theo UBND huyện Bình Chánh, để các thủ tục không làm chậm quá trình triển khai hỗ trợ - như xác nhận tạm trú với lao động tự do, huyện sẽ huy động tối đa lực lượng công an khu vực, cán bộ tổ, ấp cùng thống kê, xác minh. Về vấn đề xác nhận tạm trú đối với lao động tự do trên địa bàn quận 1, bà Mai Thị Hồng Hoa cho rằng, việc này vẫn phải thực hiện đúng theo quy định, nhưng bằng mọi cách quận sẽ triển khai nhanh vì công an khu vực nắm chắc địa bàn.
“Việc triển khai chi hỗ trợ, TPHCM đã làm lần 1 vào năm 2020 nên quận có kinh nghiệm và sẽ thuận lợi”, bà Mai Thị Hồng Hoa nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại quận 11, số lao động tự do trên địa bàn quận dự kiến nhận hỗ trợ khoảng 10.500 người. Các phường đang rà soát, cập nhật lại danh sách người thụ hưởng đạt gần 70%. Số lao động làm việc ở các doanh nghiệp, đơn vị bị giãn việc, mất việc khoảng 1.200 người. Riêng với việc xác nhận tạm trú đối với lao động tự do, theo quy định, nếu tạm trú trên 6 tháng thì người lao động phải có xác nhận của công an phường. Do đó, để tạo thuận lợi cho người dân trong việc xác nhận tạm trú, quận 11 đã cơ cấu công an khu vực, ban chỉ huy công an phường vào thành viên xét duyệt người thụ hưởng ở cấp phường.
Lãnh đạo UBND quận 11 cho hay, các phường đang tập trung ưu tiên cho công tác phòng chống dịch Covid-19 nên thiếu nhân lực để thực hiện gói hỗ trợ. Tuy nhiên, khi triển khai chi trả hỗ trợ, các phường vẫn cố gắng bố trí nhân lực để đảm bảo chi trả kịp thời, đúng tiến độ TPHCM giao.
Đối với lao động tự do, TPHCM có hỗ trợ với 6 nhóm công việc: 1- bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ (buôn gánh bán bưng); 2- thu gom rác, phế liệu; 3- bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, thô sơ; 4- bán lẻ vé số lưu động; 5- tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); 6- làm các công việc thuộc các ngành nghề, lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TPHCM tại Công văn số 1749 ngày 30-5 (làm tại khu vui chơi, giải trí, địa điểm du lịch, tham quan, di tích, bảo tàng, thư viện, trung tâm thể dục thể thao…).
Thông tin về việc người chạy xe ôm không được nêu trong các nhóm hỗ trợ, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho hay, những người chạy xe ôm truyền thống (không phải xe ôm công nghệ) sẽ được hỗ trợ từ gói hỗ trợ của TPHCM. Trong đó, người chạy xe ôm thuộc nhóm 5 trong chính sách hỗ trợ đối với lao động tự do.
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, thống kê đến thời điểm hiện nay, chỉ tính riêng 3 nhóm lao động đã có khoảng 335.000 người thuộc diện hỗ trợ. Tổng số NLĐ thuộc 3 nhóm này tăng khoảng 62.000 người so với hỗ trợ lần 1 - năm 2020.
|