Đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính - sáng kiến lập pháp của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong khuôn khổ phiên họp thứ 23, sáng 12-5. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho biết, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới đã được điều chỉnh cơ bản thành Luật Chuyển đổi giới tính, thu hẹp phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh của dự án luật; làm rõ hơn căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý; điều chỉnh tương đối nhiều về điều kiện, quy trình, thủ tục chuyển đổi giới tính. Toàn bộ hồ sơ đề nghị xây dựng luật được chỉnh lý, trong đó kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế chuyển đến ĐBQH.
Theo đó, chính sách của dự thảo Luật được điều chỉnh theo hướng giảm số lần được công nhận giới tính mới từ 2 lần xuống 1 lần trong cuộc đời; bổ sung quy định phải thực hiện can thiệp y học thì mới được công nhận đã chuyển đổi giới tính.
Quang cảnh phiên họp |
Dự thảo cũng cụ thể hóa chính sách công nhận các trường hợp đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực. Nội dung này ĐBQH kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế.
Đáng lưu ý, do phạm vi điều chỉnh đã thu hẹp lại chỉ chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ nên ĐBQH đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024).
Qua thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất với sự cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính.
“Việc ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề xuất xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính là sự chia sẻ trách nhiệm với ngành y tế vì công việc chung và thực hiện quyền sáng kiến lập pháp của ĐBQH theo quy định của pháp luật”, bà Trần Hồng Nguyên nhận định.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên |
Về hồ sơ, quy trình lập đề nghị xây dựng luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, hồ sơ cơ bản bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật.
Về phạm vi điều chỉnh và các chính sách được đề xuất, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thay đổi tên gọi của dự án luật thành Luật Chuyển đổi giới tính cũng như thu hẹp phạm vi điều chỉnh của luật; đồng thời cũng thống nhất với 4 nhóm chính sách lớn trong đề nghị xây dựng luật.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 nhưng điều chỉnh thời gian trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua dự án Luật lùi 1 kỳ họp so với đề nghị của ĐBQH, tức là trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, thông qua tại kỳ họp thứ 9.