Ba mẹ tôi ghét chị dâu ra mặt, ghét lây cả anh tôi. Ba tôi bảo, gần chục đời nay, cả dòng họ chưa một ai lấy chồng, vợ người dân tộc thiểu số. Mẹ là người mê tín lại hay hùa theo đám đông rằng, chị dâu khắc mệnh với anh trai. Họ hàng hai bên nội ngoại nhà tôi cũng lấy điều này để ngăn cản chị và anh đến với nhau. Nhưng tình yêu của anh chị quá lớn, không thể vì khác dân tộc mà không đến được với nhau. Anh chị quyết tâm kết hôn.
Tôi là người có học, đủ lớn để nhận thấy điều mọi người bàn tán về chị dâu thật nhảm nhí. Tôi thường hay động viên chị và trò chuyện để chị bớt buồn. Chị tốt tính, dáng người chắc khỏe, hay lam hay làm. Việc gì trong nhà cũng đến tay chị. Chưa khi nào tôi thấy chị ngơi chân tay. Mới thấy chị trên nương, phút chốc lại thấy chị ngoài đồng, trưa lại ở trong bếp để chuẩn bị bữa cơm cho cả nhà.
Vậy mà sự chăm chỉ, chu đáo của chị vẫn không được mọi người nhìn nhận. Mọi người còn đặt điều với mẹ tôi rằng chị làm như vậy để lấy lòng bà hòng chiếm đoạt tài sản. Ghét chị sẵn, bữa ăn nào mẹ tôi cũng kiếm cớ chê lên chê xuống. Khi thì chê cơm nhão, khi thì nói canh mặn. Chị nhã nhặn một thưa hai dạ: “Lần sau con sẽ chú ý hơn nữa ạ!”.
Lớp 12, tôi bộn bề sách vở, áp lực những kỳ thi cận kề. Người tôi gầy rộc, không ăn uống được gì, cộng với cơ địa không tốt nên trong người luôn cảm thấy bứt rứt. Biết bệnh tình của tôi như vậy, chị cất công về tận quê lấy lá mát nấu nước cho tôi uống. Tôi nhìn vào đôi mắt buồn của chị, nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc: “Chị vất vả quá!”. Chị bảo khi đã hòa nhập gia đình chồng rồi thì em nào cũng là em hết. Nghĩa vụ của chị là phụng dưỡng bố mẹ, chăm sóc cho các em.
Ảnh minh họa. Ảnh: Vu tuantv
Cô Hiền hàng xóm bị rắn độc cắn. Ở gần nhà, nghe tiếng kêu cứu chị bỏ bê công việc nhà sang sơ cứu rồi đưa cô đi bệnh viện. Chính chị cũng biết rằng cô Hiền là người hay nói xấu chị, tham gia chuyện chia cắt tình duyên của chị với anh nhưng chị không để bụng, thấy người hoạn nạn là cứu giúp.
Hơn một năm sau ngày cưới nhưng anh chị vẫn chưa có “động tĩnh” gì về kế hoạch sinh nở. Ba hối thúc, mẹ đay nghiến “hay là không sinh được?”. Những lúc này, tôi biết chị rất buồn nhưng chưa bao giờ chị dám cãi lại ba mẹ một lời, hay rơi một giọt nước mắt. Chị bảo cái duyên con cái là của trời cho nên không thể quyết định được. Khi một người con gái xây dựng gia đình thì ai cũng mong tiếng khóc, cười của trẻ thơ.
Ba tôi nhiều tuổi, bệnh già tái phát. Ba bị bại liệt toàn thân không thể di chuyển cũng như chăm sóc bản thân được nữa. Mẹ tôi bận rộn với công việc ở hợp tác xã. Anh trai đi làm, tôi đi học xa. Ở nhà mỗi mình chị quán xuyến tất cả. Ba bị bệnh, người hay cáu bẳn, lại không ưa chị từ đầu nên mỗi khi chị đút cháo hay lau rửa là ba lại vùng vằng buông câu “tao không cần”. Nhưng bằng cử chỉ, sự hiếu thảo của người con chị đã cảm hóa được tính của ba. Ba bớt cục cằn, làm theo lời nói của chị, cơm cháo, thuốc men
đúng giờ.
Số ba chỉ ở với mẹ con chúng tôi như vậy nên sau một năm phát bệnh, ba đã ra đi. Trước khi ba mất, câu cuối cùng ba kêu chị dâu tôi lại gần và nói từng tiếng yếu ớt: “Ba xin lỗi…”. Mẹ tôi sau bao năm tháng chung sống với chị cũng phần nào thấy được sự hiếu thảo của chị với gia đình chồng nên không còn ác cảm nữa. Chị bây giờ không còn bị những lời dè bỉu, nói xấu nữa. Trong bữa ăn không còn chuyện mặt mày cau có khó chịu mà đầy ắp những tiếng cười. Tôi biết để làm được điều này chị phải cố gắng và hy sinh nhiều lắm. Đó là lòng tự trọng, sự vị tha và cả tấm lòng bao dung độ lượng nữa.
Quyền Văn (Hà Nội)