Chứng nhận CDĐL dừa xiêm xanh và bưởi da xanh của tỉnh là sự ghi nhận chính thức, thể hiện lòng biết ơn, niềm tự hào của quê hương đối với các thế hệ cha ông qua nhiều thời kỳ đã không ngừng tìm kiếm, lai tạo, gìn giữ, lưu truyền và phát triển đến hôm nay. Những người nông dân trên mảnh đất cù lao đã không quản một nắng hai sương, ngày đêm cần cù lao động trên từng mảnh vườn để chăm sóc, nhân giống tạo ra những sản phẩm nổi tiếng hiện nay trên thị trường trong nước và quốc tế. Địa lý Bến Tre với những đặc thù riêng, được thiên nhiên ban tặng những lợi thế, góp phần hình thành nên những đặc sản có danh tiếng.
Giám đốc Tập đoàn Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho biết: “Khi quyết định đưa container dừa đầu tiên “bay” sang Hoa Kỳ, Tập đoàn Vina T&T đã định hướng là trái dừa xiêm của vùng đất Bến Tre chứ không phải là trái dừa của Vina T&T hay là trái dừa nào khác. Hiện nay, khách hàng ở Hoa Kỳ đã biết đến trái dừa Bến Tre. Nhiều người ở Hoa Kỳ đã định vị khi ra chợ là phải mua trái dừa Bến Tre về uống”. Chứng nhận CDĐL Bến Tre là sự trả về với giá trị đúng của dừa xiêm xanh, bưởi da xanh trên thị trường hiện nay - nơi mà người tiêu dùng trong và ngoài nước vẫn có thể nhầm lẫn. Với những giá trị được người tiêu dùng tôn vinh và Nhà nước công nhận, hai sản phẩm dừa uống nước xiêm xanh và bưởi da xanh được xem là sản vật độc đáo và vô giá của tỉnh.
Định hướng của Tỉnh ủy Bến Tre về kinh tế nông nghiệp là thực chất hóa các tổ chức kinh tế hợp tác đã có và phát triển nhiều hơn nữa, nhất là ở những vùng đã được quy định trong CDĐL. Thường trực Tỉnh ủy cũng đã quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành tập trung thực hiện tốt các chính sách phát triển hợp tác xã (HTX) kiểu mới của trung ương và địa phương. Trong đó, thực hiện chương trình xây dựng, củng cố, phát triển mô hình 15 HTX điểm lĩnh vực nông nghiệp, chủ lực là các sản phẩm dừa và bưởi. Mô hình đã đánh dấu bước đột phá của tỉnh trong phát triển kinh tế hợp tác theo Luật HTX năm 2012. Nhiều HTX quy mô nhỏ đã được củng cố với số lượng thành viên tăng lên hàng trăm người và vốn góp từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/HTX. Điển hình như HTX Nông nghiệp xã Phú Túc, huyện Châu Thành góp vốn gần 500 triệu đồng; HTX Nông nghiệp Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam góp vốn hơn 1 tỷ đồng.
Sự kiện tái ký kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ bưởi da xanh giữa nông dân (10 tổ hợp tác, 1 HTX) và doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV Xuất khẩu nông sản Hương Miền Tây) đã minh chứng cho sự trưởng thành, phát triển của mô hình kinh tế hợp tác. Ông Đàm Văn Hưng, Giám đốc Công ty Hương Miền Tây, kỳ vọng, với hướng đi này, cùng với CDĐL Bến Tre, bưởi da xanh sẽ vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước. Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, là một trong những người đã có công lớn trong việc đưa trái dừa xiêm xanh của Bến Tre xuất khẩu khá nhiều nước trên thế giới, trong đó có thị trường Mỹ. Ông chia sẻ: “Công ty đang chú trọng và phát triển thị trường trong nước, dự kiến tăng quy mô thị trường trên 50%. Khi đó, công ty sẽ sử dụng CDĐL, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng”. Để đảm bảo hiệu quả của tem chứng nhận CDĐL, ông Bùi Dương Thuật cho rằng đơn vị chủ quản tem nhãn phải kiểm soát thật chặt chẽ, tránh mang CDĐL đó nhưng sản phẩm không đạt chất lượng. Người nông dân phải chú ý đến giá trị trái dừa, trái bưởi. Phải gìn giữ, bảo vệ sản phẩm Bến Tre trước làn sóng cạnh tranh và hội nhập.