Theo ĐB Nguyễn Thị Lệ, về tính hợp hiến, một số nội dung của Dự thảo hiện nay vẫn chưa đảm bảo được quyền lợi của người dân trọn vẹn, có chi tiết gây chồng chéo so với Hiến pháp 2013.
“Tại khoản 5, điều 74 dự thảo Luật quy định: “Chính phủ quy định tiêu chí và quyết định khoanh định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh”. Tuy nhiên, việc hạn chế quyền tiếp cận đất đai liên quan đến việc hạn chế quyền của công dân. Theo quy định tại điều 14 Hiến pháp 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”, ĐB Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Từ đó, ĐB đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ tác động của quy định này; cân nhắc quy định các tiêu chí ngay trong dự thảo Luật, không nên giao Chính phủ quy định chi tiết.
Giữ cơ chế linh hoạt về miễn, giảm tiền sử dụng đất
Miễn tiền sử dụng đất cũng là nội dung đồng chí Nguyễn Thị Lệ quan tâm. Theo Luật Đất đai 2013, việc miễn tiền thuê đất có thể là miễn cho một số năm hoặc miễn toàn bộ thời gian thuê đất, căn cứ danh mục địa bàn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
Như vậy, nếu quy định miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là miễn cho toàn bộ thời gian sử dụng đất thì các doanh nghiệp đầu tư dự án sẽ rơi vào 2 trường hợp (1) dự án đầu tư không được miễn tiền thuê đất; (2) được miễn trong toàn bộ thời gian thuê.
ĐB Nguyễn Thị Lệ bày tỏ băn khoăn: “Tuy nhiên, nếu không miễn tiền thuê đất thì sẽ khó thu hút đầu tư, trái nguyên tắc khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực và địa bàn cần ưu đãi theo Luật Đầu tư. Ngược lại, nếu theo hướng miễn toàn bộ tiền thuê đất trong toàn bộ thời hạn dự án sẽ dẫn đến lãng phí, thất thu cho ngân sách Nhà nước”.
Điều chỉnh quy hoạch đất đai để giải cơn khát nhà cho người thu nhập thấp
Đề cập đến tình trạng khan hiếm nhà ở có giá vừa túi tiền (dưới 2 tỷ đồng/căn) và nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, ĐB Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận, để xảy ra tình trạng này một phần là do các quy định của Luật Nhà ở 2014 đã không đồng bộ với Luật Đất đai 2013. Cùng với đó, các chính sách quy hoạch và ưu đãi nhà đất hiện nay đang phân bố không đồng đều, có nơi tập trung phát triển, có nơi chưa được để tâm nâng cao đổi mới.
Để giải quyết vấn đề này, cần phải tập trung điều chỉnh lại các chính sách quy hoạch, chính sách ưu đãi, việc sử dụng các quỹ đất hỗ trợ cũng cần được xem xét và đánh giá tính hợp lý để tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận đất đai, nhà ở, để không chỉ doanh nghiệp, người có thu nhập cao mà tầng lớp công nhân, người lao động chân tay cũng có thể có điều kiện tìm được nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị, thuận tiện cho đi làm và sinh hoạt.
Khi giải quyết được vấn đề quy hoạch, vấn đề cung cầu cũng sẽ có cơ sở để dần dần quay về quỹ đạo ổn định, từ đó có thể kiểm soát được giá đất thị trường, giúp thị trường đất đai trở nên bình ổn, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tham nhũng đất đai hiện hữu trong đời sống.
“Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các bảng giá đất, giá đất cụ thể cần được xem là tâm điểm quan trọng tập trung toàn lực nghiên cứu và tìm ra giải pháp gỡ rối”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Vẫn theo ĐB, dự thảo Luật đã đề cập đến sự tham gia của tổ chức tư vấn giá đất trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đất đai và bảng giá, giá đất cụ thể, nhưng chưa thể hiện được quyền hạn cụ thể của tổ chức tư vấn trong việc đưa ra ý kiến khi xây dựng các chính sách đất đai như trên. Năng lực của tổ chức tư vấn cũng chưa được đề cập cụ thể trong dự thảo luật, cần phải nhanh chóng bổ sung quy định về vấn đề này.