Đây là thông tin được đưa ra từ hội nghị “Quy định xác định trước: Tình hình áp dụng tại Việt Nam và lợi ích cho doanh nghiệp” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), Cục Hải quan TPHCM và Liên minh tạo thuận lợi thương mại Việt Nam (VTFA) tổ chức ngày 31-5 tại TPHCM.
Quy định xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (gọi tắt là Quy định xác định trước) giúp người khai hải quan chủ động xác định trước số thuế phải nộp khi làm thủ tục thông quan, tránh phát sinh việc tranh cãi giữa người khai hải quan và hải quan cửa khẩu khi làm thủ tục hải quan, minh bạch hóa và thống nhất thủ tục hải quan trên toàn quốc, ngăn chặn hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức hải quan.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN) chưa tiếp cận được thông tin và quy trình áp dụng các quy định này. Theo số liệu tại hội nghị, tính đến nay mới chỉ có hơn 500 trường hợp xác định trước mã số; 5 trường hợp xác định trước trị giá hải quan và chưa có trường hợp xác định trước xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, sở dĩ các DN chưa tiếp cận được các quy định là do công tác tuyên truyền về quy định xác định trước còn yếu. Mặt khác, bản thân các DN cũng không có nhiều thiện chí trong việc tham gia các hội nghị, hội thảo, hoặc vào các trang web của các cơ quan chức năng để tìm hiểu về quy định.
Ngoài việc nộp đủ hồ sơ đề nghị xác định trước theo quy định, người khai hải quan cũng cần tham gia đối thoại với cơ quan hải quan nhằm làm rõ nội dung đề nghị xác định trước theo đề nghị của cơ quan hải quan, thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Hải quan trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có sự thay đổi nào liên quan đến hàng hóa đã đề nghị xác định trước, trong đó nêu rõ nội dung, lý do, ngày tháng năm thay đổi.