Chiều 25-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp thứ 37, nghe báo cáo và cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” (gọi tắt là việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT).
Theo báo cáo, trong những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về đảm bảo TTATGT ngày càng hoàn thiện, nhất là lĩnh vực giao thông đường bộ. Hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng được chú trọng đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp... Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, qua đó, tình hình TTATGT đã có những chuyển biến tích cực. Ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM và trên các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng cải thiện; vi phạm về chở hàng quá tải trên đường bộ đã giảm mạnh, đặc biệt là số xe vi phạm quá tải trên 100% đã giảm mạnh, tình trạng xe “cơi nới” thành thùng gần như đã chấm dứt trên toàn quốc. Người dân, học sinh, sinh viên đã có nhận thức và ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ như: không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia, đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện. Qua đó, số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT tiếp tục giảm sâu, đặc biệt là số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến rượu, bia, xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đã góp phần bảo đảm trật tự xã hội trên các tuyến, địa bàn giao thông.
Tuy vậy, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều hạn chế, chưa sát với yêu cầu thực tiễn, áp dụng trong thời gian ngắn đã phải điều chỉnh hoặc thay thế. Đặc biệt là các quy định về đầu tư, sửa chữa, bảo trì quốc lộ và xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn về TNGT còn nhiều bất cập, gây khó khăn và không đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Công tác chuẩn bị đầu tư đặc biệt là đánh giá mức độ ATGT đối với hệ thống giao thông đường bộ còn là khâu yếu; hệ thống tín hiệu vẫn còn lạc hậu; có sự bố trí chồng chéo, lãng phí, kết nối kém của hệ thống camera giám sát; công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ vẫn là khâu yếu, công tác tổ chức điều hành giao thông ở một số địa phương còn bất cập; nguồn vốn chi thường xuyên được bố trí cho công tác quản lý bảo trì đường bộ còn thấp, khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng mỗi năm, chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu đối với hệ thống quốc lộ nói chung; việc phân cấp chưa rõ ràng nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng và bảo trì quốc lộ, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT.