Giúp nhau phải tính đường dài
Trong không gian quán cà phê nhỏ của mình trên đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3), khách tới lui cũng là bạn, ngay từ khi bắt đầu ý tưởng và chế tạo máy, nhiều người hỗ trợ anh Tâm về phần thân máy hoặc hoạt động của máy sao cho thật an toàn và tiện dụng. Theo lời anh Tâm, máy đo thân nhiệt cùng máy rửa tay tự động đang được anh hoàn thiện và kiểm tra lại các bộ phận, từ thân máy đến phần kỹ thuật, mọi thứ của máy phải hoạt động thật ổn định để gửi tặng Thành ủy TPHCM. Kiểm tra ngược xuôi mấy bận, mọi thứ thật hoàn hảo nhất có thể rồi mới dám tặng, cẩn thận hơn, anh in cả số điện thoại lên thân máy.
Hiện tại khi tình hình dịch đã ổn, anh Tâm đang tính đến chuyện cải tạo các máy phù hợp hơn, để có thể giúp mọi người duy trì các thói quen tốt trong tương lai. “Tôi nghĩ rửa tay là thói quen tốt cần được duy trì kể cả khi hết dịch, nhất là với các em học sinh, tập dần khi nhỏ sẽ hình thành thói quen đến lúc trưởng thành. Sắp tới, tôi sẽ thiết kế thêm để máy rửa tay bắt mắt hơn với đèn led có màu, khung máy bên ngoài trau chuốt thêm nữa để dễ thu hút các em nhỏ trong việc rửa tay”, anh Tâm bày tỏ.
“Tôi được sự hỗ trợ của thầy Thượng Dũng (giáo viên Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, quận 3), thầy tư vấn cách làm để máy thẩm mỹ và tiện dụng, rồi hỗ trợ cắt, ráp, nên nếu cấp thiết thì mỗi ngày có thể làm được 10 máy hoặc hơn, còn lúc trước tôi tự làm hết thì mỗi ngày chỉ được 1 máy thôi”, anh Tâm cho biết thêm.
Mong cuộc sống luôn an lành
Từ tháng 2, đọc tin tức về dịch bệnh trên báo đài, anh Tâm lên ý tưởng và bắt đầu lắp ráp từng bộ phận của máy. Anh kể: “Tôi lên ý tưởng rồi làm liền, có bữa ngồi trước quán mày mò ráp từng món tới tận 12 giờ khuya. Mấy anh em cho ý kiến, thấy ổn hết là bắt đầu mua sẵn vài thứ vật liệu nhiều một chút, để có thể làm nhiều máy tặng cho nhiều nơi, còn quán cà phê của tôi cũng nhỏ, đặt một máy là đủ”.
“Có một người chị quen mua khá nhiều máy rồi gửi tặng lại các quầy thuốc. Tiền bán máy, tôi lấy qua lắp các máy khác để gửi tặng tới nhiều nơi. Mình không tính chuyện kinh doanh, nên lời lỗ hay còn thiếu nợ chút không phải là vấn đề, cái chính là giúp nhau trong lúc dịch bệnh và duy trì sử dụng trong tương lai”, anh Tâm kể thêm. Nhiều đơn vị đưa máy vào sử dụng, hoạt động trơn tru, hữu ích là động lực để anh chế tạo máy.
Khi được hỏi có ý định mở một cửa hàng chuyên về các loại máy móc như hiện tại để kinh doanh trong tương lai hay không, anh Tâm cho biết từ ngành học đến việc nghiên cứu các loại máy móc là sở thích của anh, nhưng điều quan trọng hơn là: “Mình chỉ mong cuộc sống an lành, khỏe mạnh và nhiều tiếng cười, nên máy này kịp thời giúp mọi người trong lúc dịch bệnh là vui rồi. Còn cửa hàng máy móc, tôi cũng có nghĩ đến, nhưng là các loại máy khác, chẳng hạn như máy tách tinh dầu dừa là sản phẩm tôi làm đầu tiên và rất tâm đắc”.
Không phải chỉ khi có dịch bệnh anh Tâm mới lo việc chia sẻ với mọi người, mà sau công việc thường ngày, anh vẫn thường tham gia cắt tóc cho người già, người bệnh tai biến ở chùa và các bệnh viện. Có lẽ không cần phải trình độ cao siêu hay giàu có, chỉ cần có tấm lòng sẽ giúp được cộng đồng, dù ít dù nhiều. Một người chỉ vừa tốt nghiệp trung cấp nhưng vẫn miệt mài tìm hiểu các loại máy móc và sẻ chia kịp thời với mọi người, đó là điều đáng quý.
Những chiếc máy sáng tạo có tính an toàn cao (như: đo thân nhiệt bằng máy ảnh hồng ngoại, máy có thể di chuyển lên xuống theo chiều cao người dùng, máy rửa tay tự động có đèn báo hiệu khá bắt mắt gồm 2 buồng phun dung dịch và hong khô…) được anh Tâm gửi tặng đến nhiều đơn vị trong thành phố, như Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi, Khu cách ly Đại học Quốc gia TPHCM, Đồn Biên phòng xã đảo Thạnh An, Cục Cảnh sát hình sự, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu… và chia sẻ đến nhiều tỉnh thành khác như Ủy ban MTTQ TP Đà Lạt, Chốt kiểm dịch Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng)… |