Lớp học ân tình
Chiều thứ tư, một đám trẻ mặc quần đùi, áo sát nách ngồi xúm quanh chiếc bàn lớn giữa không gian của một nhà sinh hoạt cộng đồng. Cứ mỗi 5-10 phút, em thì hỏi “con vẽ đẹp chưa?”, em xin thêm bút màu, có em lại tập trung vào trang giấy từ đầu đến cuối…
Mỗi em một kiểu, lớp học xôn xao, ríu rít tiếng trẻ thơ. Cuối buổi học, cô trò cùng nhau xếp tác phẩm lên bàn để ngắm thành quả của một buổi học. Mỗi bức tranh mang những nét hồn nhiên, ngộ nghĩnh riêng.
Nắn nót đi từng nét cọ, em Nguyễn Ngọc Hoài An (7 tuổi, trú hẻm 40 Phan Thanh, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) kể: “Học lớp này con vui lắm, con được cô giáo dạy vẽ theo cảm xúc của bản thân, để rồi sau khi học những sự vật cơ bản, con có thể lựa chọn đề tài theo sở thích cũng như tự do bộc lộ khả năng hội họa. Cô dạy con, nhắm mắt lại, thả lỏng người, con tự lựa chọn màu sắc theo chính tâm trạng của mình. Thích lắm ạ! Cứ trông ngóng đến thứ tư, thứ năm để đến vẽ”.
Ngắm nhìn những đứa trẻ vừa tô màu vừa ríu rít với nhau, chị Phạm Thị Nhật Nghi (30 tuổi, giáo viên lớp dạy vẽ miễn phí) nhớ lại lúc mình còn nhỏ. Mức học phí đối với môn học nghệ thuật không phải là điều dễ dàng cho mọi người, nhất là với những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Chị Nghi cũng thích vẽ từ nhỏ, nhưng mua giấy trắng, bút màu… là điều xa xỉ. Đi sâu vào học vẽ, chị Nghi nhận ra một đứa trẻ khi được tôn trọng, nuôi dạy, nhận được sự giáo dục đầy đủ, phù hợp thì nội lực của các em mới được khơi dậy.
“Tôi là một đứa con của Thạc Gián. Hồi nhỏ nhà tôi rất nghèo. Tôi tiếp tục được đi học là nhờ sự đùm bọc của người thân, hàng xóm và chính quyền địa phương. Đến giờ, tôi đã tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc TPHCM. Vì vậy, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm với các em”, chị Nghi tâm sự.
Xen kẽ với lớp học vẽ ở nhà sinh hoạt cộng đồng là lớp tiếng Anh. Giáo viên dạy miễn phí. Học tiếng Anh ở nhà cộng đồng khoảng 1 năm nay, em Nguyễn Hoàng Quân (11 tuổi, trú hẻm 40 Phan Thanh, phường Thạc Gián) không còn cảm thấy chán nản với môn ngoại ngữ.
Những ngày ở lớp, cô giáo dạy Quân các từ vựng thông qua các hoạt động sinh động. Quân và các bạn được cô giáo luyện phát âm bằng cách tương tác 2 người một nhóm. Nhờ vậy, khả năng giao tiếp của Quân tốt lên. Thấy con ham học, chị Hoàng Thị Thủy (mẹ của Quân) mừng lắm.
“Tôi cũng muốn con học thêm để bằng bạn bè nhưng cuộc sống còn khó khăn, tôi thì lao động tự do, thu nhập không ổn định nên không đủ tiền cho con đi học vẽ, học tiếng Anh. May nhờ Chi bộ Khu dân cư Trung Bình A3 mở lớp học miễn phí, con tôi và các cháu trong xóm có cơ hội học vẽ, học tiếng Anh”, chị Thủy nói.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Như luyện từ vựng tiếng Anh thông qua trò chơi cho các em tại nhà sinh hoạt cộng đồng (Khu dân cư Trung Bình A3, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) |
Là lớp học miễn phí nhưng chất lượng không khác lớp học tại các trung tâm. Chị Nguyễn Thị Tuyết Như (25 tuổi, giáo viên dạy lớp tiếng Anh) cho biết, chị dạy tiếng Anh theo chương trình sách chuẩn quốc tế, áp dụng 4 kỹ năng cho học sinh. Không chỉ được trang bị vốn kiến thức cơ bản, học sinh còn được rèn luyện kỹ năng sống thông qua các hoạt động tại lớp học.
Đầu tư cho tương lai
Ở Khu dân cư Trung Bình A3, hầu hết người dân là người lao động phổ thông nên cuộc sống bấp bênh. Thêm dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề nên ai nấy cũng thắt chặt chi tiêu. Nhiều gia đình chỉ đủ điều kiện cho con học ở trường, còn những môn học như tiếng Anh, vẽ được xem là xa xỉ. Hiểu hoàn cảnh ấy, ông Phan Văn Anh, Bí thư Chi bộ Khu dân cư Trung Bình A3, bàn với các đảng viên trong chi bộ để mở lớp học miễn phí tại nhà sinh hoạt cộng đồng của khu dân cư.
Ông Phan Văn Anh nhớ lại, tháng 5-2022, lớp học tiếng Anh miễn phí đầu tiên chính thức ra đời với 22 học sinh tuổi từ 7-10 đăng ký tham gia, trong đó phân nửa là các em tại Khu dân cư Trung Bình A3. Lúc đầu, lớp học gặp nhiều khó khăn vì không có bàn ghế.
Ông Phan Văn Anh huy động các đảng viên trong chi bộ trực tiếp dọn dẹp nhà sinh hoạt, treo bảng thông báo, kêu gọi đóng góp mua sắm 10 bộ bàn ghế. Chi bộ tận dụng bảng phòng chống dịch Covid-19 làm bảng tạm cho các em học tập. Vậy là lớp học bắt đầu. Được một thời gian, đảng viên, người dân trong khu dân cư tự nguyện ủng hộ bảng từ, máy chiếu… để thầy cô dạy học thuận lợi.
Nói về việc chi bộ mở lớp học, ông Phan Văn Anh cho biết: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Muốn thoát khó, thoát nghèo thì phải bắt đầu từ giáo dục. Kiến thức phổ thông thì nhà trường lo rồi. Chi bộ lo phổ cập tiếng Anh để sau này các cháu hội nhập quốc tế. Còn dạy vẽ là bồi dưỡng tâm hồn, nâng cao cái “mỹ” để các cháu bước tiếp cái “chân”, cái “thiện”.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Cảnh, Bí thư Đảng ủy phường Thạc Gián (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), cho biết, chính từ việc chi bộ đi sâu sát, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân khó khăn và sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, dù mô hình không mới nhưng có sức lan tỏa mạnh mẽ, đi vào thực tế cuộc sống. Muốn dân tin, chi bộ, đảng viên phải tiên phong.
“Qua những buổi sinh hoạt, những lần họp dân, Đảng ủy phường luôn tìm tòi, bồi dưỡng, động viên những nhân tố nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ chi bộ, bí thư chi bộ”, bà Nguyễn Thị Mỹ Cảnh khẳng định.