Mà không chỉ riêng tôi, rất nhiều bạn bè quen biết của tôi cũng thường hát bài này mỗi khi Tết đến, như gửi cả nỗi niềm nhớ về quê hương, về người mẹ già và đàn em thơ.
Tết cổ truyền tại Mỹ thật sự có đơn điệu? Nếu nói không thì không phải, tuy vậy tết tại Mỹ của cộng đồng người Việt chúng ta vẫn có chất riêng của mình. Không có ngày nghỉ cho Lunar Holiday (cách mà người Mỹ gọi Tết cổ truyền), nên kiều bào ta khó có thể tụ tập hàn huyên tâm sự trong những ngày tết như kỳ nghỉ Thanks Giving (Lễ tạ ơn), Giáng sinh hay đón chào năm mới theo lịch dương.
Do không có ngày nghỉ cho cái Tết cổ truyền nên kiều bào ta tranh thủ đón xuân mới trước giao thừa, khi các trung tâm thương mại lớn đều tổ chức các lễ hội đón tết cổ truyền rất hoành tráng. Tuy không nô nức như tại Cali hay Houston (Texas) - nơi tập trung kiều bào Việt Nam nhất nhì nước Mỹ, thì tại thành phố Arlington (vùng Dallas - Forth Worth, Texas) - nơi tôi đang sinh sống và học tập, không khí đón xuân cũng không kém phần long trọng. Hai trung tâm thương mại lớn tại đây là Asia Time Square và Bến Thành Plaza đã tổ chức lễ hội chào xuân trong nhiều ngày liền với rất nhiều sự kiện hấp dẫn. Ngoài hàng trăm gian hàng bán bánh chưng, bánh tét, bao lì xì, dưa chua củ kiệu… thì cả hai trung tâm này còn thiết kế những tiểu cảnh mang hình ảnh đặc trưng của Việt Nam để kiều bào có thể chụp ảnh lưu lại kỷ niệm đón tết của mình.
Điều đáng trân quý là nhân dịp này, các em nhỏ đều được gia đình đưa đến đây để tìm hiểu thêm về cội nguồn dân tộc, về cái Tết cổ truyền của quê hương. Thực sự sống tại Mỹ một thời gian kha khá mới đủ thấm và đủ hiểu về nỗi trăn trở của các bậc phụ huynh khi con em mình sinh ra và lớn lên tại Mỹ, việc học tiếng Việt và lịch sử nước Việt là một điều không hề giản đơn. Chính vì vậy, ngoài việc cho các cháu xem các băng ca nhạc bằng tiếng Việt, thì các phụ huynh thường đưa con em đến chùa hay nhà thờ để các em nghe những bài giảng bằng tiếng Việt, được chuyện trò cùng các bạn đồng trang lứa bằng tiếng Việt. Và Tết cổ truyền trở nên một dịp đặc biệt để các bậc phu huynh có thể chỉ dạy cho con em mình đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “nước trôi ra bể lại về biển khơi”.
Bởi thế mà diện mạo của một cái Tết cổ truyền trên đất Mỹ ngày càng được tô thắm hơn bởi sự lạc quan của các bậc phụ huynh, rực rỡ hơn với tà áo dài sặc sỡ của các em nhỏ. Điểm tô thêm sắc xuân tại xứ Mỹ phải kể đến đội ngũ văn nghệ sĩ tại đây (và một số nghệ sĩ từ Việt Nam bay sang) đã quên cái tết của riêng mình để bay ngang dọc nước Mỹ, mang lời ca tiếng hát với các giai điệu đầm ấm của tết quê hương phục vụ những người đồng hương của mình. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến các nghệ nhân trồng hoa cảnh trên đất Mỹ. Những chuyến hàng bằng xe tải lớn mang những chậu cúc vàng thắm, những cành mai, cành đào đẹp tuyệt vời từ Cali nắng ấm đến Minnesota lạnh lẽo, hay Texas gió lồng lộng trong mùa đông giá, để làm bừng lên sắc xuân của người Việt Nam chúng ta.
Nhưng nói gì thì nói, tết là tết của mẹ, của đàn em thơ, của sự sum vầy các thế hệ. Dù có cố vui ra sao, thì ai ai ở nơi đất khách quê người cũng đoái hoài trông về quê nhà tưởng nhớ cái tết đầm ấm và sum vầy. Và trong tiết xuân sang, nhiều người lại thầm ước ao một ngày gần nhất rũ bỏ tất tả mưu sinh để về với mùa xuân của riêng mình: “Dẫu gì rồi con cũng về. Chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi”.