Sự trở lại ấn tượng
Trong cơn đại dịch thế kỷ khi cả vùng đất lao đao vì sản vật làm ra bị ách tắc ở cửa khẩu Việt - Trung, chị vẫn nói tỉnh queo: Không sao, từ lâu hàng của cô Ba Sương đã chuyển đổi thị trường, các loại đồ hộp, hàng sấy khô nhãn hiệu “Nông Sản Việt - Cô Ba Sương” vẫn chạy đều đều sang thị trường mới. Nhớ năm đó “Đại án lập quỹ trái phép” bùng nổ ở Nông trường Sông Hậu đã khiến cho những ngày nghỉ hưu của chị Ba Sương đầy sóng gió. Xuất phát từ sự quý mến chị, tôi thầm mong chị sẽ vượt qua được như đã từng, nhưng khi số phận nghiệt ngã xô đẩy chị đối diện với bản án 8 năm tù, chút hy vọng vừa lóe lên trong tôi vụt tắt ngúm. Lần này trong vòng vây nghiệt ngã của số phận, chị lại tiếp tục chịu đựng đắng cay ập xuống, bất hạnh là điều đó lại diễn ra trên mảnh đất mà chị đã cống hiến hết một thời con gái… Dư luận xã hội trong nước rộ lên phản biện, bênh vực chị. Rồi cơ quan chức năng trung ương vào cuộc, những gút mắc và cái gọi là “tội trạng” trước đó dần được làm rõ. Điều kỳ diệu từ cuộc sống cuối cùng cũng đến, chị được minh oan và trở về với đời thường.
Sau lần đại nạn đó, tôi gặp lại chị và được biết, lúc đó chị không có chỗ ở cố định, khi thuê nhà, lúc thì ở nhờ khắp nơi tại TPHCM. Trong 10 năm phải dời nhà 8 lần và hầu hết đều là những căn nhà trong hẻm nhỏ để có thể sử dụng lương hưu chi trả, còn chi phí cho việc lặn lội quay trở lại thị trường chế biến nông sản gần như không có gì, bạn bè hay ai đó hảo tâm ra tay giúp cho ít tiền tàu xe, chị chắt mót từng đồng, lặn lội ra từng vùng trồng nông sản trong nước và quốc gia láng giềng. Bất ngờ, chị tìm được những khu vườn xoài rộng lớn và giá rất hời, đó chính là chìa khóa giải mã cho giấc mơ cạnh tranh với hàng nông sản chế biến của Thái Lan. Điều chị quan tâm nhất chính là giá có đủ sức cạnh tranh, còn làm sao để sản phẩm vượt trội hơn hàng của “đối thủ” thì chị có bí quyết riêng.
Lúc này, “quới nhân” lại xuất hiện, một người bạn thành thạo chuyện làm ăn với Trung Quốc đã giúp chị tiếp cận với thị trường này. Sau khi chào hàng, đưa sản phẩm ra chợ, rồi nghe ngóng, thăm dò, đôi ba lần điều chỉnh, mặt hàng xoài sấy dẻo nhãn hiệu “Nông Sản Việt - Cô Ba Sương” chào sân với vị ngọt ngào, đậm hương xoài chín cây. Do không có tiền đầu tư một dây chuyền công nghệ chế biến khép kín nên khi khách Trung Quốc kéo đến thuê gia công với số lượng lớn, chị chấp nhận nếu so với giá xuất bán tại xưởng thì lợi nhuận sẽ cao hơn rất nhiều.
Khổ một nỗi, ở lứa tuổi U70, chị không thể tiếp cận tín dụng - cản ngại lớn nhất khi chị bắt tay vào việc tiếp tục thực hiện hoài bão “ôm cục đất… chia sẻ nắng sương, nhọc nhằn cùng người nông dân quê nhà”. Nghĩa là giờ bắt đầu khởi nghiệp, chị tay trắng và không có đủ thời gian để toan tính cho tương lai. Chị vẫn không nản lòng, cứ định hướng rồi lao vào việc. Chị tìm lại những cán bộ từng tham gia dây chuyền điều hành của Nông trường Sông Hậu trước đây để mời gọi. Lời ra tiếng vào: Đừng nghe bà ấy, chỉ có lương hưu thôi mà sản xuất kinh doanh nỗi gì…
Chị nhận được rất nhiều nghĩa cử đậm ân tình của bà con nông dân, bạn bè thân hữu. Bây giờ, nếu có ai hỏi chị điều gì giúp cho chị đứng dậy, chị khẳng định, đó là ân tình từ bạn bè thân hữu, bà con nông dân đã âm thầm đứng bên chị, đó là vốn quý, không có tiền bạc, vật chất nào sánh được.
Ân nghĩa đời người
Nhớ năm 2002, được công nhận và trao danh hiệu Người phụ nữ ấn tượng châu Á - Thái Bình Dương, chị cho biết, vì hoạt động sản xuất kinh doanh của nông trường mang tính cộng đồng - an sinh xã hội, vì nó gắn với đời sống, tương lai của hàng ngàn hộ nông dân sinh sống và sản xuất trên đất nông trường, mặc dù quy mô kinh doanh sản xuất nơi này không thể nào so sánh với những phụ nữ chủ những tập đoàn lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chị khởi nghiệp, nhiều bà con góp tiền cho chị làm vốn. Rất nhiều những đồng tiền “hợp tác” đầy nhân nghĩa như thế từ bạn bè thân hữu, nhờ vậy, mà bây giờ trong tay chị ngoài 2 xưởng chế biến nông sản khép kín từ sơ chế đến đóng bao bì thành phẩm, đủ sức gia công mỗi tháng vài trăm tấn xoài sấy dẻo trong khi đơn đặt hàng có nhu cầu cao hơn. Khi dịch Covid-19 bùng nổ, nhiều xe tải chở nông sản của Việt Nam kẹt ở cửa khẩu, tôi vội liên lạc hỏi thăm. Chị trả lời tỉnh khô: Không có hàng Cô Ba Sương ở đó. Công ty Ba Sương đã ngưng gia công cho thị trường Trung Quốc rồi, chủ yếu là gia công cho thị trường khác. Chị còn nói vui: Chọi chim thì không có đất… nhưng làm nông sản thì có đến hàng ngàn, hàng vạn hécta (liên kết với nông dân) cây ăn trái và rau củ rải đều từ miền Tây đến miền Đông Nam bộ…
Có sẵn thông tin từ vùng nguyên liệu, chị thâm nhập nắm bắt thông tin thị trường, rồi làm giá theo phương thức: công ty và đối tác có lãi, nông dân được bán với giá cao, rồi làm hàng mẫu… Vùng nông sản nào mà Cô Ba Sương đặt chân đến, nông dân an tâm với đầu ra và giá. Bây giờ chị nhận được nhiều hợp đồng gia công nông sản sạch dài hạn, giảm được áp lực về vốn và đầu ra sản phẩm. Khi sản xuất được mở rộng, chị có điều kiện tiếp nhận thêm nhiều bà con nông dân tại chỗ tham gia dây chuyền sản xuất, những bà con đó đa phần lớn tuổi không còn đủ sức lo việc đồng áng, nhưng có thế mạnh kinh nghiệm và khéo tay. Lao động ở xưởng Ba Sương, các chị phát huy được khả năng của mình, có thu nhập đủ nuôi sống bản thân từ công việc vừa sức. Vui nhất là, không chỉ có mặt hàng xoài sấy dẻo, mà còn rất nhiều mặt hàng nông sản chế biến khác như: chôm chôm nhân dứa đóng hộp và sấy dẻo, cocktail, trà mãng cầu, trà gừng… Hiện nhãn hiệu “Nông sản Việt - Cô Ba Sương” đã lên con số hàng chục mặt hàng.
“Tôi đang cố sức trả 2 món nợ trước khi bước đến trăm tuổi…”, chị tâm sự. Thế là chị lại một thân một mình rày đây, mai đó bằng xe khách đường dài, xe grab trong nội ô... Chị đi nhiều hơn xưa bởi tất cả phải làm lại từ đầu, khi không còn cái mác quốc doanh.
Chị bộc bạch: “Có lúc, tôi cũng tự hỏi mình: gần đất xa trời rồi, bây giờ mình đi kiếm tiền để làm gì? Có những ngày tôi phải ngồi trên xe khách xuyên ngày đêm đi nắm thị trường và tìm nguồn hàng về cung ứng cho 2 xưởng chế biến nông sản ở Đồng Nai và Hậu Giang. Những lần như vậy tôi phải trùm ni lông co mình nằm ngủ trước hiên nhà của nơi mà tôi tá túc, vì khi đó trời chưa sáng, sợ kêu cửa làm phiền chủ nhà, còn chuyện ngồi trên xe khách gặm bánh mì, hay lót dạ bằng nắm xôi mua ở bến xe là chuyện thường ngày…”.
Tôi hỏi chị: “Điều gì chị chiêm nghiệm sau bao nhiêu năm bươn chải của đời người?”. Chị trả lời chân thành: “Sống tử tế và chân thành với những người xung quanh mình. Được phúc đáp như thế nào, chưa rõ, nhưng trước hết là rèn cho mình bản lĩnh sống!”