Ngày 1-8, Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi đã thông tin kết quả bước đầu đối với quá trình khai quật tàu cổ Dung Quất. Đây là con tàu phát hiện tại vùng biển Dung Quất (thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), thời gian tiến hành khai quật từ tháng 7-2018.
Bộ VH-TT-DL đã ký quyết định cho phép Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi khai quật với kinh phí khoảng 48 tỷ đồng. Qua lặn thăm dò, rà quét dưới biển, kết quả xác định được vị trí tàu đắm nằm độ sâu 8,6m so với mặt nước biển, trong vùng tọa độ 15023’44’’ vĩ độ Bắc, 108047’48’’ kinh độ Đông. Toàn bộ thân tàu đã được che phủ bởi lớp cát dày.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phối hợp Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi tiến hành khai quật tàu cổ Dung Quất với diện tích 800m2 trong phạm vi bán kính 100m từ vị trí tàu đắm.
Sau 1 năm triển khai, kết quả bước đầu khai quật đã trục vớt được những di vật của xác tàu như thanh đà, mũi tàu, các mảnh gỗ tàu, những chiếc đinh sắt đóng tàu, khóa đồng, đai thùng hàng cùng nhiều mảnh vỡ của các loại chum, chĩnh phủ men nâu, dày, có kích thước lớn, vốn là đồ dùng chứa nước ngọt cho thủy thủ trên tàu, thường thấy trong các di tích tàu cổ đã được khai quật trước đây. Những di vật này là minh chứng rõ nét cho sự tồn tại con tàu cổ ở khu vực này.
Hàng hóa trên tàu là đồ gốm sứ có nguồn gốc Trung Quốc, số lượng thu được khoảng gần 10.000 tiêu bản. Số lượng hiện vật còn nguyên ít, đa phần trong tình trạng vỡ, có một số hiện vật tìm được nhiều mảnh có thể phục dựng nguyên dáng. Dòng men chủ yếu là đồ sứ hoa lam, một số khác là sứ men trắng và một số ít là đồ sứ men trắng vẽ nhiều màu trên men và đồ gốm phủ men nâu, xương dày. Đề tài thể hiện gốm sứ đa dạng gồm hình người, linh thú, động vật, hoa lá với rất nhiều bố cục khác nhau.
Bên cạnh đó cũng có nhiều loại hiện vật là đồ sứ cao cấp được vẽ trang trí tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao của nghề sản xuất gốm sứ. Đồ sứ ở đây đa số đều có mác hiệu, trong đó chiếm số ít là hình vẽ con thỏ, còn phần nhiều là mác hiệu chữ Hán. Có loại mác hiệu chỉ tên lò sản xuất hoặc các mỹ tự, có loại mác hiệu chỉ niên đại sản xuất. Các niên hiệu chủ yếu thời Minh (Trung Quốc).
Công tác khai quật cũng đã thu thập nhiều cứ liệu khoa học quan trọng về tàu cổ Dung Quất, đem đến nhận thức mới trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu di sản văn hóa dưới nước, lịch sử gốm sứ và lịch sử giao thương trên biển của Việt Nam.