Cần Giờ có nhiều sự thay đổi lột xác, nhưng tiềm năng của Cần Giờ chưa được “đánh thức”, là nhận định chung của nhiều đại biểu tham gia Hội thảo khoa học “40 năm Cần Giờ (Duyên Hải), TPHCM – Thành quả và kinh nghiệm”, được Thành ủy TPHCM tổ chức vào sáng 23-12, nhân kỷ niệm 40 năm huyện Cần Giờ (Duyên Hải) sáp nhập về lại TPHCM.
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP và huyện Cần Giờ...
Các đại biểu cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua để làm rõ hơn những cơ sở, tiền đề, động lực phát triển Cần Giờ trong tương lai.
Phát biểu đề dẫn – khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho hay, Cần Giờ (trước đây là Duyên Hải), cách trung tâm TPHCM 50 km và rộng hơn 71.000 ha (chiếm 1/3 diện tích toàn TPHCM), trong đó trên 70% là diện tích rừng ngập mặn và sông rạch.
Trong hai cuộc kháng chiến, kẻ thù trút hơn 2 triệu tấn bom đạn, 4 triệu lít chất độc hóa học, biến rừng ngập mặn xanh tươi trù phú thành bình địa trơ trụi.
Sau ngày 30-4-1975, huyện Duyên Hải được thành lập từ quận Cần Giờ và quận Quảng Xuyên (tỉnh Đồng Nai), với một cơ ngơi hết sức khiêm tốn, nghèo nàn, lạc hậu.
Sau 3 năm thành lập, ngày 29-12-1978 là một bước ngoặt: huyện Duyên Hải chính thức sáp nhập trở lại vào TPHCM.
40 năm qua, nhiều thành tựu quan trọng đã làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của người dân Cần Giờ (Duyên Hải).
Cụ thể, năm 1978, ngay sau khi tiếp nhận huyện Cần Giờ từ tỉnh Đồng Nai, Thành ủy TPHCM - đặc biệt là Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt, đã chỉ đạo nhanh chóng tập trung phục hồi rừng ngập mặn. Đây là chủ trương đúng đắn.
Sau 22 năm trồng và bảo vệ, từ vùng đất trơ trụi do chiến tranh, năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ (chủ yếu là cây đước) đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam, với tổng diện tích 38.556 ha.
Chữ “được” thứ hai là huyện đã làm được đường Nhà Bè – Duyên Hải (1983-1986), với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thời điểm đó, đây là cách làm sáng tạo và huyện chủ động làm từng đoạn, kết nối từng xã, hình thành con đường 36 km.
Sau đó, với sự tiếp sức của TP và Trung ương, đường Nhà Bè – Duyên Hải đã nâng cấp thành đại lộ 4 làn xe xuyên Rừng Sác sình lầy, mang tên đường Rừng Sác - con đường mà hầu hết mọi người trước đó không dám nghĩ tới, và làm thay đổi căn bản việc đi lại của nhân dân.
Cùng với đó, từ 1.000 hộ dân thường lâm vào cảnh thiếu đói trầm trọng ở thời điểm 1986-1988, đến năm 1990, huyện đã xóa được đói và từ đó đến nay, số hộ nghèo giảm mạnh với tỉ lệ chỉ còn 5,7% tổng hộ dân.
Địa bàn huyện Cần Giờ đã có điện lưới quốc gia vào năm 1990 và năm 2015, có cáp ngầm vượt sông Lòng Tàu cấp điện cho xã đảo Thạnh An và ấp đảo Thiềng Liềng. Trong khi đó, các công trình kè đá giúp ngăn sạt lở, là hệ thống đê bao thủy lợi phục vụ trồng trọt, nuôi thủy sản, làm muối.
Đồng chí Võ Văn Cương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM rút ra 2 bài học thấm thía trong sự đi lên của Cần Giờ. Đó là: sự ủng hộ ngay từ những ngày đầu của lãnh đạo TPHCM, đứng đầu là Bí thư Võ Văn Kiệt và sự sáng tạo, không trông chờ ỷ lại, chung sức chung lòng của người dân Cần Giờ.
Phát triển kinh tế xanh, không được “đụng” đến rừng
Xác định Cần Giờ là nơi đầu sóng ngọn gió và là lá chắn của TPHCM, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phạm Chánh Trực cho rằng, sứ mệnh bao trùm của Cần Giờ chính là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Khu dự trữ sinh quyển của thế giới là một thương hiệu quốc gia mạnh, cho nên, mọi tư duy và định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhất thiết phải giữ gìn, đề cao và tôn tạo khu dự trữ sinh quyển.
Đồng chí Phạm Chánh Trực kiến nghị, TP cần có chủ trương tổng thể xây dựng phát triển Cần Giờ theo hướng nền kinh tế xanh, kinh tế sinh thái và TP thông minh.
Tổng kết hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân điểm lại toàn diện sự sáp nhập và quá trình 40 năm phát triển của Cần Giờ.
Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ rõ, nếu không có quyết định của Trung ương đưa huyện Cần Giờ (Duyên Hải) về lại TPHCM thì TPHCM không có biển. Đây là sự khác biệt rất quan trọng về mặt kinh tế, văn hóa, tự nhiên... Trân trọng quyết định đó, TPHCM đã tiếp nhận, quản lý và phát triển Cần Giờ đạt được nhiều thành quả nổi bật với những công trình làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế - xã hội huyện: khôi phục và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ; xây dựng đường Nhà Bè - Duyên Hải; kéo điện lưới quốc gia về huyện; làm kè đá chắn sóng biển khu vực Cần Thạnh - Long Hòa...
Đồng thời, Cần Giờ có Khu dự trữ sinh quyển thế giới và huyện được xác định là 1 trong 3 trung tâm không gian du lịch của TPHCM (huyện Cần Giờ, trung tâm TPHCM, huyện Củ Chi) nên cần phát triển du lịch Cần Giờ đảm bảo tính bền vững, gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Từ những nội dung phong phú trong hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM đúc kết 4 bài học gắn với Cần Giờ còn nguyên giá trị: sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của TP, sự sáng tạo của nhân dân, sự chủ động tự cứu mình trước khi cấp trên cứu của huyện, sức mạnh hỗ trợ của cả TPHCM và Trung ương với Cần Giờ. Để phát triển Cần Giờ, phải đảm bảo sự đồng bộ trong các vấn đề: quy hoạch phù hợp, có dự án và có lộ trình thực hiện, phát huy tài nguyên về văn hóa biển và sự đặc sắc của rừng ngập mặn Cần Giờ.
Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết thêm, về quy hoạch, UBND TPHCM đã tổ chức xong cuộc thi quốc tế quy hoạch lại Cần Giờ, đầu năm 2019 sẽ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM để bắt tay vào thực hiện quy hoạch.
Trong việc thực hiện các dự án, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, huyện Cần Giờ lúc đầu chỉ có 30.000 dân và hiện nay có 70.000 dân, đất rộng nhất và dân ít nhất TPHCM. Vì thế, huyện cần chú trọng tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế và quản lý.
Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá “chưa bao giờ Cần Giờ có cơ hội phát triển như bây giờ”. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, với thành tựu 40 năm qua của Cần Giờ và có Nghị quyết của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, đây là cơ hội để TP vận dụng để phát triển kinh tế biển; bảo vệ được tài nguyên biển, bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn; gìn giữ văn hóa. Bí thư Thành ủy TPHCM cũng gợi ý TPHCM cần có đề tại nghiên cứu ngay về bài học phát triển các thành phố biển trên thế giới, để học hỏi kinh nghiệm.
Ghi nhận các thành quả nổi bật, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra các thách thức với huyện Cần Giờ. 40 năm trước, Cần Giờ (Duyên Hải) là huyện nghèo nhất, giờ vẫn là huyện nghèo nhất TPHCM. Người dân có thu nhập thấp nhất TP; cơ sở hạ tầng có tiến bộ nhưng chưa hoàn chỉnh; nhân lực còn ít và chất lượng hạn chế.
Đặc biệt, áp lực - thậm chí là có thể xung đột, giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Riêng về dự án lấn biển Cần Giờ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đã trực tiếp họp 7 phiên về nội dung này, xem xét kỹ các vấn đề, xác định không lấn biển bằng mọi giá. TP đang chuẩn bị xây dựng quy hoạch dài hạn Cần Giờ và đồng thời, rà soát các việc cần làm ngay để đưa Cần Giờ phát triển bền vững cùng TPHCM.
Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ: Chỉ 40% người dân TPHCM biết TP có biển vì còn nhiều điểm nghẽn 2 năm qua qua, lượng khách du lịch đến Cần Giờ bằng cả 5 năm trước và 9 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 1,5 triệu lượt khách. Dịch vụ - du lịch đóng góp 41% tổng thu của huyện. Tuy nhiên, tiềm năng của Cần Giờ vẫn chưa được “đánh thức”: lượng khách đến Cần Giờ mới chiếm khoảng 6% lượng khách đến TPHCM, huyện có có 15 tài nguyên du lịch, song mới đang khai thác một nửa trong số đó. Có 4 “điểm nghẽn” cần tháo gỡ. “Điểm nghẽn” đầu tiên là giao thông. Dù chỉ cách TPHCM khoảng 60 km, nhưng việc đến Cần Giờ vẫn khó khăn cả đường bộ và đường sông (mất 2,5 tiếng). Thứ hai, huyện chỉ mới khai thác du lịch sinh thái, sông nước, hầu như không có điểm vui chơi, mua sắm, nghỉ dưỡng chất lượng. Đặc biệt, giá trị của biển Cần Giờ là một tài nguyên hiếm khi Duyên Hải được sáp nhập vào TPHCM, nhưng một khảo sát đã chỉ ra, chỉ có 40% người dân TPHCM biết TP có… biển. Biển Cần Giờ chưa được khai thác hết giá trị. Thứ ba, cơ sở vật chất và các dịch vụ bổ trợ cho du lịch còn hạn chế, phần lớn cơ sở lưu trú chưa đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, ăn uống có khi còn mắc hơn ở TP. Thứ tư, sự tham gia của người dân tại chỗ ở Cần Giờ vào quá trình cung cấp sản phẩm du lịch còn thiếu; nếu không tổ chức, tập huấn thì sự cung cấp này sẽ thuộc về các công ty, người từ nơi khác đến mà người hưởng lợi sẽ không phải là người Cần Giờ. Chỉ hơn 40% người dân TPHCM biết TP có biển nên nếu chỉ phát triển như bây giờ, thì chỉ có rất ít điểm đến cho du khách. Trong khi Cần Giờ được xác định là 1 trong 3 trụ cột không gian du lịch ở TPHCM (Cần Giờ, trung tâm TPHCM, Củ Chi). Phát triển du lịch Cần Giờ cần xoay quanh phát triển du lịch xanh, trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên và nhân văn của địa phương. Cần cải tạo và hoàn thiện hệ thống giao thông, hình thành các tuyến du lịch đường thủy. Xu hướng du lịch có trách nhiệm đang được ưa thích, nên cần tăng thêm hoạt động trải nghiệm, giúp du khách không chỉ đến để tham quan mà còn được trực tiếp tham gia trồng rừng… |