Theo ông Thịnh, tại Việt Nam, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải ở đô thị khoảng 85%, ở khu vực nông thôn khoảng 40% - 50%. Phương pháp xử lý rác thải chủ yếu là chôn lấp. Hiện có khoảng 30% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Cả nước có khoảng 30 cơ sở xử lý chất thải thành phân hữu cơ, 300 lò đốt chất thải sinh hoạt quy mô nhỏ.
Việc đầu tư, xây dựng các khu xử lý chất thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh phần lớn chỉ được thực hiện ở một số địa phương có nguồn thu ngân sách lớn. Việc lựa chọn mô hình quản lý và công nghệ xử lý rác thải phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam là thách thức của các ban ngành, địa phương.
Trước áp lực, thách thức ngày một gia tăng của rác thải đô thị, các địa phương, thành phố lớn cần đẩy mạnh tìm hiểu và ứng dụng công nghệ, giải pháp tiên tiến, hiện đại vào xử lý rác thải; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp trong nước với nước ngoài.
Đồng thời, các đơn vị cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phân loại rác tại nguồn để giảm lượng đầu ra từ rác thải. Song song đó là đẩy mạnh công tác nâng cao nhận thức cho người dân, thực hiện đúng quy định trong việc xả rác ra môi trường.