Tại buổi góp ý xây dựng “Dự thảo Thông tư ban hành quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải” do Bộ TN-MT tổ chức mới đây ở TPHCM, các hiệp hội ngành nghề ủng hộ EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất).
Các thành viên hiệp hội đã và đang tích cực tham gia EPR, bao gồm đóng góp tài chính, hoặc trực tiếp thu gom, tái chế sản phẩm, nhằm bảo vệ môi trường ngay từ khi chưa có NĐ 08/2022/ND-CP. Việc Bộ TN-MT đăng tải dự thảo trên website của Bộ để nhận ý kiến đóng góp đến ngày 15-10-2022 là hành động cầu thị.
Khi nghiên cứu kỹ, các hiệp hội quan ngại về Dự thảo do việc xét duyệt hỗ trợ tái chế bao bì, sản phẩm, xử lý chất thải còn theo cơ chế xin-cho, các tiêu chí chưa rõ ràng. Dự thảo quy định các doanh nghiệp (DN), dự án tái chế bao bì, xử lý chất thải nếu muốn nhận được hỗ trợ (từ khoản tiền DN đóng góp) đều phải nộp hồ sơ về Văn phòng EPR tại Bộ TN-MT, gây khó cho các tỉnh xa khi phải nộp trực tiếp.
Các tiêu chí xét duyệt hỗ trợ, mức hỗ trợ chưa được quy định rõ ràng, dễ nảy sinh tiêu cực.
Quy định trong Dự thảo khác với kinh nghiệm quốc tế. Các nước tiên tiến, như EU và Mỹ, EPR do các hiệp hội doanh nghiệp (DN) tự đóng góp, tự quản lý và thực hiện tại từng địa phương, vì vấn đề môi trường trực tiếp ảnh hưởng đến các địa phương.
Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định “văn phòng giúp việc cho Hội đồng EPR… làm việc theo chế độ kiêm nhiệm” nhưng Dự thảo lại quy định “Văn phòng EPR quốc gia… tự chủ về biên chế và tài chính”, lương, thưởng, phụ cấp, BHYT, BHXH đầy đủ như cán bộ trong biên chế (mục 5 Điều 23), không phải là kiêm nhiệm, làm tăng biên chế.
Trong khi dự thảo lại tạo ra 1 cơ quan hành chính mới để quản lý tiền DN đóng góp (Văn phòng EPR), nhưng DN không được tham gia để quản lý số tiền chính mình đóng góp; mọi việc xin-cho tập trung ở Bộ. Các DN luôn ủng hộ việc đóng góp để bảo vệ môi trường, miễn là đóng góp này được sử dụng đúng mục đích, nhưng 11 loại chi phí của Văn phòng EPR (Điều 26) chỉ có 1 loại là dùng để hỗ trợ tái chế bao bì, sản phẩm, xử lý chất thải, 10 loại là cho các mục đích khác, không phải “hỗ trợ hoạt động tái chế, xử lý chất thải”.
Đóng góp tái chế bao bì/sản phẩm: Được tính bằng khối lượng sản phẩm nhân tỷ lệ tái chế bắt buộc nhân định mức chi phí tái chế cho 1 kg sản phẩm. Nghị định 08/2022/NĐ-CP đã quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc, nhưng vẫn chưa có định mức chi phí tái chế, do đó không tính được con số chính xác, nhưng ước tính có thể tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm khi tuy mới áp dụng nhưng Bộ TN-MT cho biết đã thu được 500 tỷ đồng.
Vì vậy, 12 hiệp hội ngành nghề đại diện các DN thuộc nhiều ngành hàng chủ lực trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài từ nông nghiệp (thủy sản, sữa, chè...), dệt may, nhựa... cùng Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham VN) và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham VN) có văn bản chung góp ý:
Các hiệp hội nhất trí cán bộ kiêm nhiệm phải được hưởng thêm thu nhập, nhưng cần đúng quy định pháp luật, vì vậy Văn phòng EPR cần quy định rõ ràng cơ cấu tổ chức, quyền hạn, trách nhiệm, không phát sinh biên chế. Hội đồng EPR cần có thành viên của các hiệp hội, vì đây là tiền DN đóng góp, DN cần được tham gia giám sát để đảm bảo việc sử dụng minh bạch, đúng mục đích. Quản lý thu chi khoản đóng góp của các DN, xét duyệt hỗ trợ tái chế bao bì, xử lý chất thải cần phân cấp và rõ ràng. Việc giải quyết các vấn đề môi trường ở địa phương nên phân cấp cho địa phương giống như kinh nghiệm quốc tế.
Hội đồng EPR, Văn phòng EPR chỉ nên đưa ra chủ trương, kế hoạch hành động và giám sát việc thực hiện nói chung. Xây dựng các tiêu chí rõ ràng, có điểm cụ thể cho từng tiêu chí. Bỏ các tiêu chí mơ hồ như “căn cứ điều kiện kinh tế, xã hội” hay không định lượng được như “nhiều hơn”, “ít hơn”... Hồ sơ nên được nộp online thay vì nộp hồ sơ giấy.