Trọn buổi chiều 7-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tiếp tục trả lời chất vấn tại Quốc hội. Nội dung chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân xoay quanh các vấn đề: Sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức; công tác đánh giá cán bộ.
ĐB Nguyễn Thị Thủy, Bắc Kạn (Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) nêu báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, cả nước chỉ có 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ.
"Con số 0,63% nêu trên có phản ánh đúng tình hình thực thi công vụ hay không? Nếu không đúng, nguyên nhân nằm ở quy định không phù hợp hay do sự nể nang, dĩ hòa vi quý trong quá trình đánh giá", ĐB chất vấn.
Trả lời chất vấn về những con số này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân dẫn báo cáo tổng hợp từ 40 tỉnh, thành và các bộ, ngành. Theo đó, tỷ lệ cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 27,7%; hoàn thành tốt 67,3%; hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực hạn chế 6,3% và không hoàn thành 0,63%. Với viên chức cũng có tỷ lệ đánh giá tương tự.
“Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tôi khẳng định là con số 0,63% đó chưa chính xác” ông nhận xét. Nguyên nhân, do địa phương chưa xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện đánh giá mức độ hoàn thành công việc phân công cho cán bộ, công chức nên "đánh giá chung chung với nhau là chủ yếu, còn nể nang, cảm tính.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ tự nhận, “hơn 10 năm làm lãnh đạo từ cấp tỉnh trở lên, tôi chưa có bản tự kiểm nào tự đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đơn vị mình có hoàn thành xuất sắc đâu mà mình hoàn thành xuất sắc. Nhưng anh em nói nếu thủ trưởng không đạt thì anh em cũng không ai “dám”. Do đó, chuyện nể nang nhau trong đánh giá cán bộ là có thật”.
Vì vậy, theo Bộ trưởng, tới đây, những tiêu chí về đánh giá cán bộ sẽ phải tiếp tục chỉnh sửa để bảo đảm việc đánh giá cán bộ công chức, đánh giá toàn diện, thực chất.
“Không để xảy ra tình trạng đánh giá xong thì không có ai thuộc diện bị tinh giản biên chế, trong khi dư luận xã hội cho rằng chỉ 30% cán bộ công chức làm việc hiệu quả”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói. |
Ông Tân cho hay, tới đây, Bộ này sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế quy định hiện tại theo hướng "đánh giá ngang, dọc, đa chiều bằng chất lượng cụ thể".
Về vấn đề thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nội vụ vẫn đang triển khai nội dung này nhưng chậm. Bộ đã có văn bản yêu cầu các địa phương đăng ký, nhưng ít địa phương đăng ký. Mãi đến khi có đăng ký của 14 bộ và 22 đơn vị thì mới chính thức cho triển khai được.
“Về vấn đề này, đồng chí Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phê bình tôi 2 lần”, Bộ trưởng trần tình. Nhưng cho đến nay, mục tiêu thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý của 14 bộ và 22 đơn vị đã đăng ký cũng mới chỉ thực hiện được một nửa. Theo kế hoạch, cuối năm 2019, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương sẽ sơ kết về thực hiện 2 năm đề án này để đề xuất một số chủ trương.
Theo Bộ trưởng, đây là cách giảm được các thủ tục hành chính và thực sự chọn được người tài. “Còn thực hiện quy trình 5 bước như hiện nay thì ở dưới được, nhưng trên lắc đầu. Hình thức thi này nên khuyến khích, dĩ nhiên sẽ có cơ chế, chức vụ nào nên thi”, Bộ trưởng Nội vụ nhận xét. Bộ sẽ đề xuất để tiếp tục triển khai nội dung này thay vì chỉ thí điểm trong 2 năm.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) chất vấn về tình trạng tham nhũng vặt trong đội ngũ cán bộ công chức viên chức khiến nhân dân bất bình, mà một trong nguyên nhân là do các quy định xử lý vi phạm chưa thỏa đáng, Bộ trưởng có đề xuất gì đột phá khi sửa luật cán bộ công chức, viên chức?
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Hữu Cầu về nạn tham nhũng vặt, Bộ trưởng thừa nhận đây là vấn đề nhức nhối, tham nhũng vặt nhưng hậu quả khủng khiếp, gây những lỗ thủng làm đắm thuyền. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều quy định, giải pháp để ngăn chặn nạn tham nhũng vặt, vì thế các bộ ngành, địa phương phải triển khai hiệu quả đề án văn hóa công vụ.
“Nhiều anh em cán bộ công chức làm việc rất miệt mài, nghiêm túc. Ở Bộ của tôi, 11 giờ đêm, nhiều anh em vẫn sáng đèn làm việc, nhiều nơi cũng thế. Nhưng người làm việc tốt như thế không nhiều đâu. Vì vậy, chế độ lương, thưởng và vị trí việc làm cần phải tính lại. Người nỗ lực phải hưởng mức lương tương xứng chứ không cào bằng như hiện nay. Người làm việc nghiêm túc thì được hưởng lương cao, không giống những người đêm ngủ cho đã rồi sáng ra đi làm muộn”, Bộ trưởng nói. |
Ông nhắc lại tinh thần xử lý tham thũng vặt là xử lý kiên quyết, thời gian qua, đã xử lý nhiều nhưng con số này cũng chưa phản ánh bức tranh chung của xã hội.
Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Hữu Cầu đề nghị Bộ trưởng trả lời tại hội trường về tình trạng cán bộ công chức, viên chức nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp.
ĐB cho biết, ông đã đề nghị vấn đề này tại những kỳ họp trước, đề nghị đuổi việc những người này nhưng thấy “khó quá”, quy trình nhiêu khê, dài dòng.
“Luật cán bộ công chức sắp thông qua tại Quốc hội lần này nhưng nếu không sửa thì không có cơ chế cho Chính phủ thực hiện. Vì vậy, sửa luật phải đưa ra giải pháp mạnh tay giải quyết tình trạng này”, ĐB Nguyễn Hữu Cầu nói.
Đáp lại, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân xin tiếp thu để tới đây, khi sửa luật soạn thảo các văn bản hướng dẫn sẽ phải có quy định rõ để ngăn chặn tình trạng cán bộ công chức, viên chức nhũng nhiễu gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp, làm giảm sút lòng tin.
ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) chất vấn: Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới, nhưng gần 4 năm Bộ Nội vụ chưa có văn bản, thông tư để hướng dẫn thực hiện.
Về điều này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân lại một lần nữa “xin nhận khuyết điểm”. Bộ trưởng cho biết, đây là một quyết định về chính sách đối với cán bộ người dân tộc có từ tháng 3-2016 và Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ 8 nhiệm vụ, đến nay Bộ còn 4 nhiệm vụ chưa làm.
“Tôi sẽ làm bản tự kiểm gửi Thủ tướng vào tháng 12 năm nay để nhận trách nhiệm về vấn đề này. Đây là thiếu sót của Bộ Nội vụ, trong đó có trách nhiệm của bộ trưởng”, ông Lê Vĩnh Tân thẳng thắn nói. Tới đây, dứt khoát thi tuyển dụng công chức, viên chức người dân tộc không thể tuyển dụng chung với người Kinh. Bộ sẽ tham mưu Chính phủ phải tuyển dụng riêng, tức là tuyển dụng người dân tộc với nhau, và người Kinh với nhau để đảm bảo cơ cấu.
Về vấn đề xây dựng vị trí việc làm, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ đã nhận khuyết điểm trước Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ.
“Chính phủ giao Bộ Nội vụ thẩm định Đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh và các bộ ngành Trung ương, nhưng hơn một năm từ năm 2015 đến tháng 8-2016, Bộ Nội vụ chưa phê duyệt được Đề án vị trí việc làm nào đối với các đơn vị sự nghiệp công lập" - ông nói.
Bộ Nội vụ đã đề nghị Thủ tướng phân cấp cho Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh phê duyệt Đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên. Đến nay, gần như bộ ngành, địa phương đã hoàn tất các vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập. Vấn đề còn lại là xác định đề án vị trí việc làm như thế nào để phục vụ cho việc trả lương theo chính sách cải cách tiền lương, đây là một vấn đề rất quan trọng.
Nói thêm về chính sách cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, Bộ Chính trị đã giao cho Ban tổ chức Trung ương là cơ quan chủ trì thực hiện xây dựng Đề án vị trí việc làm, xây dựng chức danh tương đương để trả lương theo vị trí việc làm và theo chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp về vị trí việc làm, tổng hợp chức danh tương đương và thang bảng lương của các bộ, ngành để trình Bộ Chính trị cho ý kiến, làm cơ sở cho năm 2020 tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương 2021. Việc xây dựng đề án vị trí việc làm lần này làm kỹ hơn, dự kiến chia làm 4 nhóm để dễ xếp lương, khác với trước đây, chia quá nhiều nhóm nên không thể cơ cấu tiền lương khác nhau được.