Tại vùng vịnh Dung Quất, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nơi những mỏm đá tảng lớn, nhỏ nằm chênh vênh ở dọc các bờ biển. Trên những mỏm đá này xuất hiện loại rau mứt màu đen huyền, bám chặt vào đá, từng cọng nhỏ hơn đầu chiếc móng tay.
Rau mứt biển được người dân các xã ven biển xem như “đặc sản” chỉ xuất hiện vào những ngày biển động cuối năm.
Rất nhiều người dân các xã Bình Hải, Bình Đông, Bình Thuận (huyện Bình Sơn) và những ngư dân ở Quảng Nam cũng vào vịnh Dung Quất để khai thác.
Anh Võ Văn Mỹ, xã Bình Thuận, cho biết: “Người dân thường tập trung đi từ lúc 4,5 giờ sáng, đến khi nước thủy triều lên thì rời mỏm đá về nhà, thông thường là 8,9 giờ sáng.
Thời gian này, rau mứt xuất hiện rất nhiều nhưng việc khai thác cũng rất nguy hiểm, chuyện trượt chân ngã là bình thường, nhiều người liều mình đi đến các mỏm đá nằm ở xa hơn, cách mép nước đến 6-7m”.
Dụng cụ thu hái rau mứt là những miếng tole mỏng được cắt hình tròn có đường kính khoảng 7cm, đựng mứt thì dùng vợt nhỏ. Khi hái, dùng miếng tole nhỏ cào mạnh vào tảng đá, vừa cào vừa hứng đầy vợt.
Người cào rau mứt thường đem về sơ chế và phơi khô để bán. Mỗi chén nhỏ bán khoảng 20.000 đồng/chén. Những người cào rau mứt chuyên nghiệp có thể thu hoạch 20-30 chén, bán ra đến 400.000-500.000 đồng/ngày.
Ông Lê Duy Tài (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) vừa đi thả lưới đánh cá, vừa tranh thủ khai thác rau mứt. Ông cho biết: “Những mỏm đá ở Tam Quang đã hết rau mứt vì người ta khai thác nhiều, nên tôi đi ghe vào vịnh Dung Quất vừa để cào ít rau mứt bán cải thiện kinh tế gia đình. Cả năm mới được vài ngày, nên nhiều người rất tranh thủ”.
>> Bất chấp nguy hiểm, người dân chênh vênh trên tảng đá hái rau mứt biển: