Thôn Chênh Vênh nằm lưng chừng trên dãy Trường Sơn có hơn 100 hộ dân sinh sống, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Vân Kiều. Từ bao đời nay, người dân luôn truyền giữ một quy ước bất thành văn, với những quy định rõ ràng để bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng. Dù chỉ truyền miệng, nhưng quy ước của thôn qua bao thế hệ vẫn được người dân nghiêm túc thực hiện.
Anh Hồ Liêng (36 tuổi), Trưởng Ban Công tác mặt trận khu dân cư thôn Chênh Vênh, cho biết: “Theo quy ước thì bà con không được chặt cây rừng bừa bãi, ngoại trừ khi dùng để xây dựng nhà cộng đồng. Hay nếu nhà nào sửa chữa, cần gỗ thì phải được người dân trong thôn chấp nhận, rồi viết đơn xin xã, kiểm lâm, mới được vào rừng chặt cây. Ai mà tự ý chặt cây sẽ bị phạt. Nhẹ thì phạt 1 con heo hay 1 con trâu, nặng nhất có thể bị đuổi khỏi thôn bản”.
Còn ông Hồ Văn Chiến, Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh, chia sẻ: “Cộng đồng người Vân Kiều nơi đây coi rừng là nơi thiêng liêng mà ra sức cùng nhau bảo vệ. Rừng che chở cho người dân qua những đợt mưa lũ; cho nấm, măng... nuôi sống dân bản. Nước để sinh hoạt, làm nương cũng bắt nguồn từ rừng”.
Năm 2017, chính quyền địa phương đã bàn giao 676ha rừng tự nhiên cho cộng đồng thôn Chênh Vênh quản lý. “Để tránh lâm tặc từ nơi khác chặt phá rừng, thôn cũng đã thành lập 7 tổ, mỗi tổ từ 4-5 người luân phiên mỗi tháng đều đặn từ 3-4 đợt tuần tra bảo vệ rừng trên tinh thần tự nguyện, không có kinh phí hỗ trợ. Cũng nhờ vậy nên rừng được bảo vệ, hiện còn rất nhiều cây gỗ quý như lim xẹt, dổi, lội… Nhiều cây rừng 3-4 người ôm không hết. Rừng cũng có nhiều loài thú quý hiếm trú ngụ như khỉ, voọc má trắng, gà lôi, hươu, nai, lợn rừng, rùa…”, ông Hồ Văn Chiến cho biết.
Vừa qua, hơn 1.560ha rừng tự nhiên, trong đó có diện tích rừng mà cộng đồng thôn Chênh Vênh đang quản lý, được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Đây là rừng tự nhiên đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức quốc tế cấp chứng chỉ này. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cũng như lợi ích cho cộng đồng đang bảo vệ rừng được hưởng lợi từ chính công việc của mình.
Anh Hồ Văn Nhâng (thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng) cho biết: “Bà con trong thôn sống chủ yếu dựa vào làm nương rẫy, đi rừng. Việc hưởng lợi từ rừng chưa nhiều, chỉ khai thác tre, mây để sử dụng trong gia đình. Thời gian qua, bà con đã được tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam hỗ trợ, hướng dẫn cách khai thác, sản xuất các sản phẩm từ tre như ống hút, cốc uống nước và các đồ lưu niệm khác, giúp bà con có thêm thu nhập, dần ổn định cuộc sống”.
Tuy nhiên, khi rừng cộng đồng được cấp chứng chỉ FSC, người dân được hưởng các lợi ích dịch vụ từ rừng nhiều hơn, trong đó các nguyên liệu, sản phẩm từ rừng có chứng chỉ FSC sẽ được bán giá cao hơn, từ đó thu nhập người dân cải thiện, góp phần ổn định cuộc sống, giảm thiểu việc chặt phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ trái phép.
Ông Nguyễn Đình Đại, Trưởng Văn phòng Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tại Quảng Trị cho biết: “Ngoài việc hỗ trợ thực hiện đánh giá chứng chỉ FSC đối với toàn bộ diện tích rừng tự nhiên giao cộng đồng và hộ gia đình quản lý, hiện đơn vị đang tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu mua tre nguyên liệu cũng như hướng dẫn người dân tạo các dịch vụ du lịch sinh thái nhằm cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư sinh sống ở khu vực vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa”.
Trong những năm tới, Ủy ban Y tế Hà Lan sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân tham gia chứng chỉ rừng bền vững FSC cho lâm sản ngoài gỗ là song mây, dịch vụ hấp thụ carbon. Các chứng chỉ trên đều có thể mang lại nguồn lợi tài chính cho cộng đồng đang quản lý rừng và góp phần bảo vệ phát triển rừng bền vững hơn.