Báo cáo Bộ LĐTB-XH cho biết, năm 2019, ngân sách trung ương bố trí trên 10.400 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vốn đối ứng địa phương và các nguồn huy động hợp pháp tại 40/63 tỉnh là 2.177 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngân sách trung ương tiếp tục bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý...
Tuy nhiên, tình trạng giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao (bằng 17,82% tổng số hộ thoát nghèo) chủ yếu do thiên tai, tách hộ. Chênh lệch giàu - nghèo, tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Đáng chú ý, một số chính sách mang tính chất hỗ trợ ngắn hạn, thời vụ; trực tiếp, cho không, mang tính bình quân, cào bằng, thời gian đầu có tác dụng tốt, giải quyết được một số khó khăn trước mắt cho người dân, tuy nhiên đến nay không còn phù hợp nhưng chậm sửa đổi, bổ sung…
Cuộc họp của ban chỉ đạo đã thống nhất, trong năm 2020, cần tập trung huy động tối đa nguồn lực và dồn sức cho việc thực hiện chương trình đạt kết quả cao nhất, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020; triển khai sâu rộng và tiết thực phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Mục tiêu của chương trình trong năm 2020 là giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần)…