Chén sành, chén kiểu

Hoài niệm tưởng chừng là câu chuyện cũ nhưng nó vẫn đi giữa muôn vàn điều mới mẻ trong nhịp sống hiện đại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Người nói đủ đầy quá rồi “no cơm ấm áo lại thèm nọ kia”, giữa những đủ đầy, tiện nghi lại tìm về một mớ ký ức của ngày còn thiếu thốn, những món đồ đơn giản, xù xì nhà quê. Nhưng cũng có người lại phản bác, rằng ai cũng có ký ức và có những món đồ dù năm tháng nào đi chăng nữa, có thể bớt thịnh hành nhưng không thể thay thế được những kỷ niệm mà nó đã gắn bó với nhiều thế hệ.

CN4 nspn.jpg
Bạn trẻ nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống gốm Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương). Ảnh: XUÂN HUỲNH

Sự phát triển của khoa học - công nghệ, nhiều vật liệu thay thế ra đời đáp ứng nhu cầu của đời sống hiện đại. Chuyện cái tô, cái chén cũng có muôn vàn lựa chọn với những chất liệu mới, thiết kế cầu kỳ, ấn tượng. Những tưởng khái niệm chén sành, chén kiểu dường như thuộc về một thôn ấp hay xóm làng nào đó mà tốc độ đô thị hóa còn chưa phủ rộng.

Nhưng thực tế không hẳn vậy, những quán ăn mang đậm nét quê nhà, thơm hương đặc sản vùng miền, thì mỹ vị cũng tăng lên đôi phần khi bữa ăn được bày trí trên những bộ chén dĩa sành mộc mạc. Thực khách hiện đại cũng yêu cầu cao lắm, đôi khi thưởng thức cái nhìn trước, rồi mới thấm đến từng vị chua cay hay ngọt bùi của món ăn.

Sự tiện dụng và đẹp mắt của chén nhựa, chén thủy tinh không có gì phải bàn cãi nhiều, nhưng với nhiều người lớn lên với cái chén sành ngoài chái bếp hay chén kiểu mà má để dành khi nhà có khách, có giỗ mới dám đem ra xài... thì có khác. Má thường nói con nhà nghèo, người ta hay ví như cái chén sành, ăn thua làm sao lại chén kiểu nhưng được cái “ăn chắc mặc bền”, có khi bỏ lăn long lóc vậy mà không bể, cùng lắm thì mẻ chút đỉnh, vẫn dọn cơm ăn ngon lành.

Chén sành hay chén kiểu cũng làm từ đất, nhưng tùy theo nguyên liệu và kỹ thuật chế biến nguyên liệu, cách nung (nhiệt độ) khác nhau sẽ tạo ra các loại gốm khác nhau, phổ biến là các loại: gốm đất nung, gốm sành nâu, gốm sành xốp, gốm sành trắng, đồ bán sứ, đồ sứ… Gốm là một tên gọi chung và sứ là một trong những sản phẩm của gốm. Sứ (ceramics) là một dạng vật liệu gốm được tạo ra bằng cách đun nóng nguyên liệu, thường bao gồm đất sét ở dạng cao lanh.

Chén sành là một dạng gốm thô, màu men thường gần với màu gốm thành phẩm sau khi nung, lớp màu thường vàng vàng như giấy cũ, hoa văn cũng trang trí ở mức đơn giản. Chén sành dày, cầm chắc tay và giữ nhiệt đồ ăn tốt.

Chén kiểu hay chén sứ để thành phẩm phải qua nhiều công đoạn cầu kỳ hơn, nhất là lớp men được tráng bóng, trắng ngọc, hoa văn chìm nổi đường nét tinh xảo. Lấy đũa gõ vào chén kiểu cũng nghe âm thanh vang và khá trong, bởi thế mà dân nhậu say ngà ngà, lấy đũa gõ vào chén cũng ngẫu hứng thành khúc nhạc trên bàn khi “chén chú chén anh”.

Chén kiểu cầm chắc tay, nhưng vẻ ngoài mỏng manh, lỡ tay làm bể thì tiếc đứt ruột. Bởi má chọn mua từng bộ chén một, mỗi một chục chén có hoa văn riêng, bể một cái ra chợ tìm mua không còn kiểu hoa văn đó nữa, thế cái chén khác như áo vá quàng, coi không ưng bụng.

Chén kiểu vừa sang vừa đẹp nhưng cũng đỏng đảnh như quý cô nhà giàu, lỡ tay nhẹ cũng sứt mẻ nên thường làm của để dành là vậy. Khách phải quý lắm, nhà có đám tiệc quan trọng mới bày mớ chén, dĩa đẹp như ngọc như ngà của má ra mâm, khâu rửa chén cũng phải lựa đứa khéo tay nhất nhà, nâng niu từng cái một để không đổ bể.

Những dặm dài trong đời, người ta có nhiều điều để bận tâm, cái chén, cái dĩa chỉ ở quanh trong bếp, trên bàn ăn mà có khi người ta quên mất bởi đất quê mình còn kể chuyện một nghề thủ công. Bữa cơm nhà còn cái chén kiểu, chén sành để tía má dạy mình cách sống ở đời cho trọn vẹn nếp nhà.

Tin cùng chuyên mục