Chén cơm đồng bằng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Chén cơm đồng bằng

Tôi sinh ra ở Bạc Liêu, một tỉnh xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ngày tôi còn bé, chừng 60 năm về trước, là khi tôi biết bưng chén cơm lên ăn và tôi được bà má nghèo dầu dãi nắng mưa của mình dạy cho một bài học nhớ đời về thái độ đối với hạt cơm. Ấy là mỗi lần tôi và cơm vô miệng mà để rơi vãi, má tôi không la mắng vì “Trời đánh tránh bữa cơm”, mà má chỉ rên rỉ: “Tội chết con ơi”! Rồi má tự tay nhặt những hạt cơm rơi vãi, chỗ nào sạch thì má tôi cho vào miệng ăn hết, chỗ nào dơ thì má gom lại mang đi cho gà, vịt ăn. Má tôi nhặt đến không còn một hạt cơm rơi, bằng bàn tay nhẹ nhàng như sợ làm hạt cơm đau đớn. Trong cử chỉ ấy, trong thần thái ấy, khi lớn khôn tôi mới nhận ra đó không chỉ là một thái độ trân trọng từng hạt cơm mà cả một sự tôn thờ như thể hạt cơm có linh hồn, có những điều linh thiêng.

Hạt gạo được gọi là “Hạt ngọc của đất trời”! Những câu chuyện cổ tích về hạt gạo, giống như những khúc đồng dao dập dềnh, bảng lảng bay như những đụn khói đốt đồng của quê nghèo. Cứ thế nó cấy vào tâm khảm không làm sao quên được, để nuôi lớn cho những đứa con của những miền quê nghèo đói vì chiến tranh vì lạc hậu. Để rồi một hôm anh ta bật thốt: Không biết vì sao mình lại đương đầu được với bao bão giông mà sánh bước với đời nhỉ? Và rồi anh ta cũng ngộ ra, là bởi hạt cơm quê nghèo, những bà mẹ quê nghèo đã trao truyền cho anh ta một nhân cách, đó là cội nguồn sức mạnh của con người.

Nghĩ về hạt cơm của ĐBSCL, ta cũng bắt gặp nhiều điều khác lạ. Dân tộc ta đã ăn cơm mấy ngàn năm để dựng nước và giữ nước, còn người ĐBSCL đã lấy cây lúa làm cây tiên phong, giống như một ngọn giáo mà đi mở rộng bờ cõi Tổ quốc. Không đâu trên thế giới có những cuộc đi chinh phục miền đất Tản văn mới lạ lẫm như ở ĐBSCL. Khoảng 500 năm trước, người từ mạn ngoài vào xây dựng xong nền văn minh miệt vườn (vùng Tiền Giang), thì khoảng 100 năm sau người Tiền Giang và người tứ xứ mới vượt sông Tiền, sông Hậu để chinh phục miền đất mới mà xưa gọi là miệt Hậu Giang. Đây là vùng đất tính từ tả ngạn sông Tiền đến Mũi Cà Mau. Cuộc Nam chinh này có quy mô lớn với hàng triệu người tham gia và kéo dài đến mấy trăm năm.

Cuộc chinh phục miệt Hậu Giang thật lạ lẫm, nó đặc biệt là vì đoàn quân chinh phục đất mới không có quân reo ngựa hí mà đa số những người tham gia đều là tầng lớp sát đáy xã hội, họ bỏ quê cũ vì chiến tranh, vì nghèo đói và trốn chạy ách của địa chủ. Nước mắt họ tưới dài theo đường đi, khoác lên mình kiếp đời tha phương, cơ nhỡ, lạc loài, xuôi về phương Nam làm ruộng, trồng trọt. Cũng có khi chiếc xuồng ấy cũng chở theo một ít trái cây miệt vườn rồi tham gia buôn bán lúc đợi con nước ở các vàm sông, ngã năm, ngã bảy... để lấy tiền làm phí đi đường. Sau đó hình thành những chợ nổi trên sông rất đặc biệt của miệt Hậu Giang. Như vậy có thể nói công cuộc mở rộng bờ cõi phía Nam không thấy có binh đao, gươm giáo mà thực chất đó là một cuộc triển khai nền nông nghiệp và lấy cây lúa làm tiên phong, cây lúa như một ngọn giáo để chinh phục đất mới, mở rộng cương thổ. Có nhìn như thế chúng ta mới càng thấy ý nghĩa của chén cơm đồng bằng.

canhdong.jpg
Nông dân miền Tây thu hoạch lúa. Ảnh: LÝ ANH LAM

Miệt Hậu Giang xưa được mệnh danh là “vùng đất hứa”, “đất làm chơi ăn thiệt”… Đấy là nói theo ý nghĩa đất rộng người thưa, làm chủ đất dễ dàng, chứ thực chất đây là vùng đất xung khắc dữ dội, người nông dân xưa kiếm được chén cơm phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Đừng nói đâu xa, những năm 1960, nhà nông làm ruộng cơ cực rất nhiều lần so với bây giờ và mất mùa liên tục do chỉ biết trông vào nắng mưa của trời, còn khoa học kỹ thuật thì lạc hậu. Hồi đó làm những giống lúa mùa kéo dài đến 5-6 tháng, năng suất 10 giạ lúa 1 công đất nếu trúng. Nhưng vào năm mưa dứt sớm SGGP 56 ẤN PHẨM ĐẶC BIỆT 1975-2024 SGGP ẤN PHẨM ĐẶC BIỆT 1975-2024 57 hay gió bấc về sớm là lúa chín háp, những bông lúa dựng trắng đồng như dựng cờ tang. Lúc ấy nhà nông cũng cháy lòng vì cả năm trắng tay vì không có lúa ăn, để làm mùa.

Tôi nhớ những năm như thế, má tôi và chị Hai tôi cắp thúng ra đồng, hướng đôi mắt đỏ hoe lục lọi trong những đám cỏ năn, cỏ lác để mót những bông lúa chắc còn sót lại. Hai người đội nắng suốt một ngày cũng chỉ mót được lưng chừng một thúng thóc. Má tôi dùng chày giã những hạt thóc ấy ra thành gạo. Đó là những hạt gạo sứt đầu mẻ trán và ốm o gầy guộc chứ nó không tròn trịa mây mẩy như những hạt gạo ở đồng đất trúng mùa. Má tôi nấu thứ gạo ấy thành cơm để nuôi anh em chúng tôi. Tôi ăn những hạt cơm ấy cảm được cái vị làn lạt và mằn mặn, chứ không phải ngọt ngào béo ngậy như những hạt cơm bây giờ.

Giờ đây, những cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL thường cho sản lượng 24-25 triệu tấn lúa/năm, trên diện tích gieo trồng khoảng 3,8 triệu ha. Là châu thổ lớn nhất khu vực Đông Nam Á, hàng năm ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, đưa Việt Nam đứng trong tốp 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 15% tổng sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu). Nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan, Ấn Độ. Gạo ST25 của nông dân vùng ĐBSCL cũng 2 lần đăng quang gạo ngon nhất thế giới!

Miên man suy nghĩ về hạt gạo ĐBSCL, tôi thổn thức trong mình về hình ảnh người nông dân trải qua bao nắng mưa dãi dầu đã làm nên vị thế “chén cơm châu Á” của vùng ĐBSCL hôm nay. Nên chăng có một bức tượng đại biểu cho bao thế hệ tiền nhân tiên phong đi mở cõi, để cho Tổ quốc ta thêm rộng thêm dài, cho vùng ĐBSCL mênh mang trù phú! Đó cũng là hợp đạo lý với chén cơm của ĐBSCL, một chén cơm ngọt bùi nhân nghĩa!

Tin cùng chuyên mục