Nếu nổi tiếng ở phía Bắc có “tứ đại đỉnh đèo” là Ô Quy Hồ (Lai Châu), Pha Đin (Điện Biên), Khau Phạ (Yên Bái), Mã Pí Lèng (Hà Giang)... thì khu vực miền Trung - Tây Nguyên lại là những cung đường đèo nổi tiếng như Hải Vân (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng), Cả (Khánh Hòa - Phú Yên), Lò Xo (Quảng Nam - Kon Tum), Măng Đen (Kon Tum), Phượng Hoàng (Đắk Lắk - Khánh Hòa) hay 7 cung đèo huyền thoại dẫn tới thành phố ngàn hoa Đà Lạt: Chuối, Bảo Lộc, Prenn, Mimosa, Ngoạn Mục, Dran, Long Lanh. Những cái tên đủ sức mời gọi du khách khoác ba lô lên đường, nhất là khi đất trời đang vào xuân, thiên nhiên giao hòa như mời gọi.
Nơi mùa xuân bắt đầu
Cứ mùa xuân về, các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên… lại tấp nập du khách. Cả thiên nhiên như được khoác lên lớp áo mới bừng sáng, đầy sức sống. Màu vàng của hoa cải, màu trắng tinh khôi của hoa mận, đỏ thắm của những cây đào rừng nở muộn và màu váy áo sặc sỡ của thiếu nữ người Mông rủ nhau xuống chợ. Đi khắp các tỉnh vùng cao phía Bắc, những con đèo càng cheo leo, khúc cua càng uốn lượn, cảnh sắc lại càng hùng vĩ. Bởi thế, du khách khi đến nơi này khó có thể cầm lòng để rồi ai cũng muốn thu vào ống kính những khung cảnh triệu lượt xem (view). Trong cẩm nang những cung đường đèo đẹp như tranh ở Tây Bắc của các “phượt thủ” là “tứ đại đỉnh đèo”: Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ, Mã Pí Lèng; cùng đó là những địa danh nổi tiếng bởi sự hùng vĩ, hiểm trở như dốc Thẩm Mã, đèo Mã Phục, đèo Thung Khe…
Đèo Mã Pí Lèng là cái tên được nhắc tới hàng đầu trong danh sách những cung đường đèo “tử thần” ở Việt Nam. Với độ dài khoảng 20km, nằm ở độ cao 1.200m, thuộc cao nguyên đá Đồng Văn, đây là một trong những cung đường có sức hấp dẫn đặc biệt bởi vẻ đẹp hoang sơ, hiểm trở với những khúc cua uốn cong ôm theo lưng chừng núi. Một bên là núi đá tai mèo dựng đứng, một bên là hẻm Tu Sản - được mệnh danh là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, phía dưới là dòng Nho Quế mềm mại như một dải lụa.
Đèo Mã Pí Lèng là một trong những điểm không thể bỏ qua khi đến Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc. Trong khi đó, dốc Thẩm Mã được ví như một dải lụa mềm vắt trên sườn núi đá tai mèo, mùa xuân cũng nên thơ hơn. Con dốc này được xem là cửa ngõ để đến với các địa điểm nổi tiếng như Mã Pí Lèng, thung lũng Sủng Là, Phó Bảng, dinh thự vua Mèo, cột cờ Lũng Cú… Với những “phượt thủ” chuyên nghiệp, dốc Thẩm Mã có độ chênh không quá cao nhưng lại sở hữu những cung dốc ngắn, uốn lượn đầy cảm xúc. Nếu xưa kia, dốc Thẩm Mã được cho là để kiểm tra sức ngựa, thì nay con dốc ấy được viết thêm câu chuyện cổ tích thời hiện đại, rằng cặp đôi nào yêu nhau, đi bên nhau trọn vẹn con dốc này thì tình cảm sẽ bền chặt.
Tất nhiên, đó là chuyện của các bạn thế hệ gen Z, song có một sự thật là bất cứ ai sau khi hoàn thành con dốc truyền thuyết ấy, bất kể bằng mô tô hay ô tô, đều dừng trên đỉnh dốc để nhìn lại những khúc quanh đã đi qua, để hòa mình với đất trời, lưu giữ hình ảnh về cảnh quan hùng vĩ nơi này.
Nếu Hà Giang là thiên đường của hoa đào, hoa mận thì hoa đỗ quyên - nữ hoàng của núi rừng Tây Bắc là loại hoa nổi bật nhất ở đèo Ô Quy Hồ. Đèo Ô Quy Hồ còn có tên gọi khác là đèo Hoàng Liên (do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn), đèo Mây (do đỉnh đèo quanh năm mây phủ). Ô Quy Hồ thường được mệnh danh là “Vua đèo vùng Tây Bắc”, nằm trên quốc lộ 4D, có chiều dài gần 50km, trong đó 2/3 quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu), 1/3 còn lại nằm ở phía Sa Pa (tỉnh Lào Cai), đỉnh đèo cũng chính là ranh giới giữa 2 tỉnh. Thời điểm giáp tết, cung đèo này là điểm đến ấn tượng với du khách.
Một trong những điều thú vị nhất trải nghiệm tại đèo Ô Quy Hồ là cảm nhận khí hậu khác biệt ở hai bên phần đèo được phân định tại vị trí Cổng Trời (đỉnh đèo). Mùa xuân, phía Tam Đường vẫn ấm áp, còn Sapa đã có những cơn gió lạnh như cắt với màn sương phủ dày, khiến tầm nhìn bị giới hạn không quá 2m. Những năm gần đây, đèo Ô Quy Hồ còn được biết đến là một trong những điểm săn băng giá được trông đợi nhất ở miền Bắc. Khi nhiệt độ giảm sâu kèm theo mưa nhỏ, chỉ sau một đêm, cả khu vực rộng lớn trên đèo Ô Quy Hồ, từng bông hoa, ngọn cỏ như được mạ một lớp băng tuyết mỏng trong veo, huyền ảo...
Đi để thêm yêu quê hương
Xê dịch vào phía Nam, để đến với Đà Lạt - thành phố xinh đẹp nổi tiếng với nhiều biệt danh nhất trong cả nước như: Thành phố ngàn hoa, Thành phố mù sương, Thành phố ngàn thông, Xứ sở hoa anh đào…, du khách sẽ vượt qua các cung đèo như đèo Long Lanh nối Nha Trang với Đà Lạt, đèo Bảo Lộc nối Đồng Nai với Lâm Đồng, đèo Phú Lộc nối Bảo Lộc với Đà Lạt, đèo Lộc Bắc và đèo B40 nối Bảo Lâm với Đà Lạt, đèo Prenn - cửa ngõ vào Đà Lạt. Song song với đèo Prenn là đèo Mimosa hay còn gọi là Prenn 2 vào trung tâm TP Đà Lạt, đèo Ngoạn Mục nối Ninh Thuận với Lâm Đồng, tiếp nối là đèo Dran thuộc huyện Đơn Dương, đèo Tà Nung nối Đắk Lắk với Đà Lạt.
Những ngày giáp tết này, những cung đèo đến Lâm Đồng tràn ngập sắc xuân. Sau khoảng 1 năm nâng cấp cải tạo, đèo Prenn đang được các điểm tham quan trang hoàng đón tết. Tên của đèo Prenn gắn với dòng thác tuyệt đẹp. Từ thác Prenn, đèo Mimosa hiền hòa đón khách bằng những hàng hoa mimosa rực rỡ sắc vàng. Còn đèo Ngoạn Mục lại là một trong những con đèo hiểm trở nhất nước, nhưng cũng ngoạn mục bởi cảnh sắc thiên nhiên. Đèo Dran có vị trí cao hơn Đà Lạt, quanh năm sương mù bao phủ. Dịp cuối năm, khi hoa dã quỳ nở rộ vàng rực, du khách thập phương lại hẹn hò check-in những cung đường đèo này. Cung đèo Khánh Lê (nối Khánh Hòa - Lâm Đồng), hàng trăm cây mai anh đào đang khoe sắc dọc quốc lộ 27C. Đây cũng được coi là một trong những cung đường ngắm mai anh đào đẹp nhất tại Lâm Đồng. Đèo Long Lanh quanh co, uốn lượn, chạy xuyên qua những đồi thông bạt ngàn. Đèo Bảo Lộc xuyên qua những rừng thông, những đồi chè và rừng cao su thẳng tắp, với khoảng 107 khúc cua gấp và độ dốc cao. Mùa mưa, qua cung đèo này, du khách sẽ chứng kiến những thác nước nhỏ len lỏi giữa các vách đá và tràn ngập màu sắc hoa dại.
Ở Tây Nguyên còn có đèo Măng Đen nằm giữa hai huyện Kon Rẫy và Kon Plông (tỉnh Kon Tum). Để di chuyển lên Khu du lịch sinh thái Măng Đen, khách du lịch phải đi qua con đèo này. Chạy thẳng hướng Kon Tum - Quảng Ngãi theo quốc lộ 24, đến ngã ba sẽ thấy hai con đèo Măng Đen cũ và mới. Theo kinh nghiệm của dân phượt đèo Măng Đen, bạn nên đi một đèo và về một đèo để có trải nghiệm cảnh đẹp của núi rừng Tây Nguyên. Mùa xuân năm nay, 300.000 cây hoa anh đào đã được trồng ở Măng Đen. Địa phương này đang phát triển lên 1 triệu cây để trở thành vùng đất trồng nhiều hoa anh đào nhất cả nước. Thời điểm này, hoa anh đào trên Cao nguyên Măng Đen bắt đầu nở, cũng là lúc du khách nườm nượp vượt cung đèo Măng Đen để đến thưởng lãm hoa.
Nhìn từ đỉnh đèo Ô Quy Hồ cao 2.000m, du khách có thể nhìn thấy toàn bộ con đèo uốn lượn, những thung lũng mờ ảo trong sương. Trước đây, nơi này chỉ có một vài hàng quán lụp xụp, các đoàn khách dừng đỗ lộn xộn, thiếu an toàn thì nay đã được quy hoạch xây dựng thành một khu sinh thái check-in ngắm cảnh khang trang, điểm dừng cho du khách mỗi lần lên tới Cổng Trời, giá vé 120.000 đồng/người lớn và 60.000 đồng/trẻ em. Theo nhận định của các chuyên gia du lịch, mô hình này bước đầu thành công khi nắm bắt được nhu cầu của du khách. Là địa phương có cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ, những cung đường huyền thoại, những đỉnh núi cao thuộc tốp đầu của Việt Nam và Đông Nam Á, kỳ vọng Lai Châu sẽ trở thành một điểm check-in nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam.