Nhiều trưng bày chuyên đề và triển lãm đang diễn ra tại các bảo tàng, không chỉ mang đến không gian chụp ảnh đậm chất Tết cổ truyền, mà còn chia sẻ những câu chuyện văn hoá ngàn năm của dân tộc đến người xem.
Bảo tàng Lịch sử TPHCM trưng bày chuyên đề “Hoa nở từ đất – Hoa trong nghệ thuật gốm sứ phương Đông”, giới thiệu hơn 150 hiện vật gốm được trang trí các loài hoa bốn mùa trong văn hóa của Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản.
Trong đó, phần lớn là các hiện vật gốm Việt Nam có niên đại trải dài từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XX, như gốm men ngọc thời Lý, gốm hoa nâu thời Trần, gốm Chu Đậu thời Lê, gốm Việt Nam đặt hàng Trung Quốc sản xuất dưới thời Nguyễn…
Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ phối hợp Hội Cổ vật TPHCM tổ chức trưng bày chuyên đề “Cổ vật kể chuyện xuân”, như cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, tái hiện không gian Tết cổ truyền xưa qua hình ảnh một ngôi nhà Nam bộ trang trí chuẩn bị đón tết, với bàn thờ gia tiên được trưng bày các đồ thờ cúng, mâm ngũ quả, hoành phi, câu đối...
Hay những hiện vật được làm từ chất liệu gốm là đứa con kết tinh từ hơi thở của đất mẹ, sự mềm mại của nước và sức mạnh chuyển hóa từ lửa. Một chiếc bình có thể kể về vẻ đẹp của thiên nhiên, một chiếc đĩa có thể lưu giữ ký ức về quê hương, còn một pho tượng lại có thể thầm thì triết lý văn hóa.
Triển lãm Xuân Thì 5 đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM giới thiệu 80 tác phẩm sơn dầu và acrylic của hai nữ hoạ sĩ Diệu Hà và Diệu Linh. Các tác phẩm trưng bày mang nội dung phong cảnh thiên nhiên từ nụ đến hoa, chim muông liên kết với nhau thể hiện trong các bức tranh như dòng nước chảy thể hiện nguồn năng lượng tĩnh tại và an nhiên, những bông hoa như đang nhảy múa trên thiên đàng, luồn lách từ chỗ này đến chỗ kia theo giai điệu trầm bổng, thanh thoát trong từng nốt nhạc, trong từng nét cọ, và đi đến chỗ lan tỏa một năng lượng trong tâm trí.