Tại Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao tổ chức sáng 5-11 ở tỉnh Phú Thọ, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra những gợi mở giải pháp để chè Việt Nam vượt qua "bẫy giá rẻ", hướng tới nâng cao giá trị và thương hiệu chè quốc gia.
Thách thức “bẫy giá rẻ”
Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam thẳng thắn cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu chè Việt Nam đang “dễ mua, dễ bán”, chủ yếu tập trung vào việc đáp ứng các đơn hàng trước mắt thay vì đầu tư vào chất lượng và thương hiệu dài hạn. Ông Long nhận định: “Thế giới hiện nhìn nhận thị trường chè Việt Nam như một nơi cung cấp chè giá rẻ, vì vậy dễ bị cuốn vào bẫy giá thấp”. Theo ông, đây là rào cản lớn khi Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu chè ra các thị trường khó tính, có yêu cầu cao hơn về chất lượng.
Thực tế, dù giá chè xuất khẩu của Việt Nam được cho là thấp nhưng vẫn cao hơn giá chè trung bình thế giới. Điều này cho thấy các nhà nhập khẩu đang tập trung vào Việt Nam để tìm kiếm nguồn lợi từ giá chè cạnh tranh, thay vì lựa chọn sản phẩm chè cao cấp. Hệ quả là người làm chè trong nước thường phải bán sản phẩm với giá thấp, kéo theo thu nhập của người trồng chè chưa được cải thiện, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực tới sức cạnh tranh của ngành chè Việt Nam.
Thương hiệu và an toàn là giá trị
Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN-PTNT, Việt Nam đã đạt sản lượng chè xuất khẩu khá lớn với gần 146.000 tấn trong năm 2022, trị giá 237 triệu USD. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của chè Việt Nam chỉ tương đương khoảng 70-75% so với các nước có sản phẩm chè tương tự trên thị trường quốc tế. Đây là vấn đề lớn đối với ngành chè nước nhà, khi mà phần lớn lượng chè xuất khẩu hiện nay vẫn thuộc các dòng sản phẩm đơn giản, thiếu sự đa dạng về chủng loại và thương hiệu.
Ông Mạnh nhấn mạnh rằng việc xây dựng các vùng chè an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển theo hướng gắn kết với các tiêu chuẩn quốc tế như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… là hướng đi cần thiết để gia tăng giá trị. “Năng lực chế biến và đa dạng hóa sản phẩm chè vẫn còn hạn chế. Vì thế, để chè Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, chúng ta cần tập trung đầu tư vào cải tiến công nghệ, phát triển các sản phẩm mới như chè ô long, matcha và thậm chí là nước uống đóng chai từ chè”, ông Mạnh nói.
Bên cạnh đó, ông Mạnh cũng gợi ý nên đẩy mạnh thương mại điện tử và các công cụ kinh tế số như ngân hàng xanh, tín dụng xanh, nhằm thúc đẩy liên kết vùng sản xuất với hệ thống phân phối. Các hiệp định thương mại như CPTPP và EVFTA cũng là cơ hội lớn để mở rộng thị trường, tạo đà phát triển lâu dài cho ngành chè.
Đứng ở góc độ an toàn chất lượng, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, nhấn mạnh việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là yếu tố tiên quyết để chè Việt Nam chinh phục các thị trường khó tính. Ông Hòa khẳng định: “Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất chè cần chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sản phẩm chè phải đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật, quy định của cơ quan quản lý”.
Theo ông Hòa, các thị trường nhập khẩu lớn như EU và Mỹ hiện áp dụng rất nhiều tiêu chuẩn an toàn khắt khe, từ giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đến giới hạn kim loại nặng. Để đáp ứng yêu cầu khắt khe này, ngành chè Việt Nam không chỉ chú trọng hơn đến quy trình sản xuất, mà còn phải kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng các hóa chất trên sản phẩm. Bộ NN-PTNT đã cho phép sử dụng hơn 260 thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam để phòng trừ sâu bệnh cho cây chè. Các doanh nghiệp, cơ sở trồng chè cần phải tuân thủ, chỉ sử dụng các loại chất nằm trong danh mục đã cho phép.
Cùng với đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, ông Hòa cũng đề xuất Việt Nam cần có chính sách khuyến khích nông dân và doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong nước. Chỉ có như vậy, ngành chè Việt Nam mới có thể khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới, vượt qua bẫy giá rẻ và đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho người trồng chè.