Nhiều người đã dùng trang mạng cá nhân để bình luận, chỉ trích một cá nhân, tập thể vô tội vạ. Trên mạng xã hội Facebook, nhiều bạn trẻ lập ra những hội anti-fan (Hội những người không thích) để đưa ra những khuyết điểm của các nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước, qua đó mà bàn luận, mổ xẻ và nêu ra quan điểm của mình, xoáy sâu vào đời tư, dùng những lời lẽ khó nghe, thậm chí dung tục để chỉ trích. Đặc biệt, chính những lời lẽ kém văn hóa như thế lại lôi kéo được nhiều người tham gia một cách bất ngờ khiến cho hội đó như chợ trời.
Gần đây, một số trang thông tin điện tử ăn cắp bản quyền với hình thức “rút tin tự động”. Nghĩa là trang này tự chọn một số tờ báo, dùng kỹ thuật để bất cứ lúc nào các báo có tin bài mới là rút tự động vào trang web của họ. Nhiều trang web sao chép các tin hay, tin nóng của những tờ báo mạng, “xào nấu” lại rồi đăng lên trang mình nhằm thu hút lượt truy cập, quảng cáo. Họ copy rồi không đề tên tác giả, không dẫn nguồn, hoặc chỉ ghi tên viết tắt, sai tên.
Một tác phẩm báo chí ra mắt bạn đọc phải trải qua nhiều khâu gian nan của người làm báo, rất công phu, vậy mà họ lại lấy cắp rồi đăng trên trang web mình để câu khách, hoặc để bôi bác, xuyên tạc một cách thản nhiên, thật đáng xấu hổ. Lại có nhiều người dùng Facebook không cần thẩm định thông tin đã vội chia sẻ về trang mạng cá nhân của mình, tiếp tay phát tán.
Ngoài ra, một số trang chia sẻ còn chỉ dẫn cách bẻ khóa, đánh cắp dữ liệu, cách pha chế thuốc nổ… Họ đâu biết rằng chính vì những hướng dẫn này đã gây tai nạn đau lòng cho một số người khi họ thực hành ngoài đời.
Vì vậy, rất cần sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng và có nhiều biện pháp mạnh để chế tài những hành vi kém văn hóa trên mạng hiện nay