Rác vẫn đầy đường
Luật sư Trần Đình Dũng (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) cho hay: “So với các quy định trước đây, Nghị định 155/2016 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường đã có mức chế tài khá nặng. Cụ thể, hành vi bỏ tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng; hành vi phóng uế nơi công cộng bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng; hành vi bỏ rác sinh hoạt không đúng nơi quy định bị phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng; hành vi xả rác trên vỉa hè, đường phố, hoặc hệ thống thoát nước đô thị ở khu vực đô thị sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đến 7 triệu đồng. Như vậy, mức phạt đã cao so với thu nhập của người dân, chỉ xả rác ra đường có thể bị phạt đến nửa tháng lương, còn đổ rác xuống cống thoát nước là có thể cả nhà phải nhịn ăn cả tháng. Phạt nặng vậy nhưng không ít người vẫn thản nhiên vứt rác ra đường”.
Thật vậy, đi một vòng trên các tuyến đường từ quận ven vào nội thành TPHCM, sẽ thấy hai bên đường vẫn đầy rác thải. Trên các cầu Bình Triệu (quận Bình Thạnh), Trường Đai (Gò Vấp), Tham Lương (Tân Bình)…, công nhân vệ sinh vẫn phải thường xuyên đi quét, thu gom rác xả. Người đi đường vẫn thản nhiên xả rác, ném bao ni lông, ly nhựa ra đường sau khi dùng xong. Dọc tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh, quốc lộ 13 đoạn hai bên Bến xe miền Đông, rác thải tràn lan. Vào các quận trung tâm thành phố, đường sá có sạch hơn, nhưng cũng không khó bắt gặp những đống rác bên đường. Không ít người chờ đêm khuya hay sáng sớm, lúc đi tập thể dục lại mang rác sinh hoạt ra ném xuống kênh. Nhiều kênh rạch đã trở thành nơi chứa rác, đủ loại, từ rác sinh hoạt đến bàn ghế hư cũ, và cả chó mèo chết cũng ném xuống kênh.
Ai xử lý người xả rác?
Chương 3 Nghị định 155/2016 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường đã quy định rõ thẩm quyền, thủ tục xử phạt. Theo đó, lực lượng có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực môi trường gồm chủ tịch UBND các cấp từ phường - xã đến tỉnh - thành; công an từ chiến sĩ đến chỉ huy cấp phường - xã, quận - huyện, thành phố; Cục Cảnh sát môi trường; lực lượng thanh tra chuyên ngành của Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường); bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, kiểm lâm, thanh tra nông nghiệp, thủy sản, thuế, cảng vụ hàng hải, cảng vụ đường thủy. Mặc dù số cơ quan có thẩm quyền xử phạt nhiều như vậy, nhưng thực tế lại không có người thực thi xử phạt, vì cơ quan nào, lực lượng nào cũng xem… đó là việc của người khác.
Theo quy trình xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu bắt buộc trước khi ban hành quyết định xử phạt tiền là phải có biên bản vi phạm hành chính. Có 2 hình thức chính để lập biên bản là lực lượng chức năng bắt quả tang hoặc qua camera giám sát. Luật Xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định 155/2016 mới quy định về thẩm quyền, đối tượng ban hành quyết định xử phạt, chứ chưa thực sự chú trọng đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp lập biên bản vi phạm hành chính. Vì thế, tuy cơ quan, lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm về môi trường rất đông, nhưng người trực tiếp giám sát xử lý lại quá ít. Hiện nay, lực lượng thanh tra chuyên ngành chủ yếu xử phạt các tổ chức, doanh nghiệp gây ô nhiễm; còn công an chỉ tổ chức phá các vụ gây ô nhiễm lớn.
Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TPHCM), cho biết: “Để giữ môi trường xanh, sạch đẹp, chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể ở phường cùng vào cuộc. Hàng ngày, lãnh đạo phường trực tiếp lên xe cùng lực lượng trật tự đô thị, đoàn thanh niên tuần tra trên các tuyến đường, điểm nóng mua bán lấn chiếm lòng lề đường, để dọn dẹp. Tuy nhiên, chính quyền vận động, tuyên truyền người dân địa phương không xả rác ra nơi công cộng là chính, còn việc tổ chức canh bắt, lập biên bản đối tượng xả rác ra đường, ném rác xuống cống rất khó. |