Đây chỉ là trường hợp khá đặc biệt khi nạn nhân thoát được cảnh làm nô lệ và có thể trở về vạch mặt kẻ thủ ác, bởi trên thực tế có rất nhiều người không được may mắn như vậy.
Tại phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng chống mua bán người, từ khi Luật Phòng chống mua bán người 2012 có hiệu lực đến hết năm 2017 (do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hồi tháng 8-2018), Bộ Công an cho biết số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán là 3.090 người, trong đó chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%), đa số thuộc các dân tộc thiểu số, thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phần lớn nạn nhân bị bán sang Trung Quốc.
Số liệu này mới dừng lại ở những trường hợp gần như chắc chắn xác định có hành vi mua bán người, còn những trường hợp khác do không có thông tin nên dù đã xảy ra hoạt động mua bán người cũng không được phát hiện.
Luật Phòng chống mua bán người 2012 là cơ sở pháp lý quan trọng để góp phần ngăn chặn, phòng chống việc mua bán người, nhất là mua bán phụ nữ. Tiếp đó, năm 2015, Bộ luật Hình sự sửa đổi đã có nhiều điều chỉnh quan trọng về tội mua bán người; tăng hình phạt đáng kể (mức hình phạt tù đối với khoản 1 áp dụng là từ 5 - 10 năm; khoản 2 từ 8 - 15 năm; khoản 3 từ 12 - 20 năm; khoản 4 phạt tiền 20 - 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu tài sản).
Tuy nhiên, lợi nhuận từ hoạt động mua bán người rất lớn (mỗi nạn nhân đưa được qua biên giới, kẻ buôn người có thể thu lợi đến hàng trăm triệu đồng), khả năng bị phát hiện không phải lúc nào cũng rõ ràng (vì nhiều khi nạn nhân bị bán sang biên giới, không giấy tờ tùy thân, bất đồng ngôn ngữ, sống ở vùng hẻo lánh, hạn chế thông tin liên lạc, bị giam cầm… nên không thể thoát được, mà nếu có thoát thì cũng thiếu bằng chứng để tố cáo).
Do đó, một số kẻ buôn người cứ nhởn nhơ lừa bán hết người này đến người khác, thậm chí còn thách thức gia đình nạn nhân khi chúng biết chắc rằng họ không có bằng chứng để vạch mặt.
Chính quyền các địa phương cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hành vi mua bán người, nhất là thông tin cho người dân hiểu rõ và cảnh giác trước các dấu hiệu, thủ đoạn thường dùng của bọn buôn người, tập trung vào vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có điều kiện kinh tế khó khăn. Các đoàn thể cơ sở cần quan tâm đến các gia đình khó khăn, có thành viên dễ bị nguy cơ dụ dỗ, lừa gạt, để tuyên truyền, động viên và cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra.
Về mặt pháp lý, nên có chế tài nghiêm khắc hơn; chẳng hạn, trong khung hình phạt đó nhưng có thể áp dụng mức phạt cao đối với những kẻ thủ ác có tình tiết tăng nặng, không ăn năn hối cải, gây cho nạn nhân nhiều tổn thương, mất mát…
Đồng thời, các cơ quan trung ương nghiên cứu, xem xét, hướng dẫn cơ quan tư pháp địa phương các trình tự xử lý, cấu thành hành vi phạm tội một cách rõ ràng, cụ thể để dễ áp dụng, theo hướng nghiêm khắc hơn với bọn tội phạm. Đối với các trường hợp đã xác định được hành vi mua bán người ra nước ngoài, cơ quan chức năng cần tích cực phối hợp với đồng sự nước bạn để tìm cách giải cứu, xử lý hậu quả, trừng trị đích đáng kẻ phạm tội.