Trong quy định của pháp luật hiện hành, không có định nghĩa cụ thể về việc thế nào là giấy tờ giả. Tuy nhiên, có thể hiểu giấy tờ giả tức là những giấy tờ không được làm ra theo đúng quy trình, trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn mà pháp luật quy định, không do cơ quan có thẩm quyền cấp một cách hợp pháp, mà được làm ra với bề ngoài giống như thật, nhằm mục đích lừa các cơ quan, tổ chức khác để phục vụ các mục đích của cá nhân đó.
Hiện nay, pháp luật hiện hành không quy định một mức xử phạt hành chính chung đối với việc sử dụng các giấy tờ, bằng cấp giả. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo từng lĩnh vực cụ thể, phụ thuộc vào loại giấy tờ giả mà họ sử dụng. Khoản 3, Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Ngoài ra, sẽ phạt bổ sung là tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm hành chính. Đối với các hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định tại khoản 4, Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị phạt tiền 7 - 10 triệu đồng.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi sử dụng chứng minh nhân dân giả sẽ bị phạt tiền 2 - 4 triệu đồng. Đối với những cá nhân là công chức, viên chức, nếu có hành vi sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả, có thể bị xử lý kỷ luật theo các hình thức kỷ luật như cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc. Người sử dụng chứng chỉ, bằng cấp giả nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, các cá nhân có hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, bị phạt tiền 30 - 100 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.