Đối với hành vi chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép, căn cứ Nghị định 157/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản), người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính từ 600.000 đồng đến 200 triệu đồng tùy vào loại và khối lượng lâm sản bị khai thác trái phép. Ngoài ra, người bị xử phạt còn bị tịch thu tang vật, công cụ, phương tiện, và có thể phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính, hoặc buộc nộp lại số tiền bằng giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật (theo Khoản 1, Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012), buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng theo suất đầu tư được áp dụng ở địa phương tại thời điểm vi phạm hành chính (theo Khoản 1, Điều 4 Nghị định 157/2013).
Không chỉ bị xử phạt hành chính, tùy từng trường hợp cụ thể, những kẻ ăn cắp tài nguyên rừng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 (sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2018).
Cụ thể, nếu hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều này thì bị phạt tiền 50 triệu - 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều này thì bị phạt tiền 300 triệu - 1,5 tỷ đồng, hoặc phạt tù 2 - 7 năm; nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 điều này thì bị phạt tù 5 - 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10 triệu - 50 triệu đồng.
Trường hợp pháp nhân phạm tội này, cùng với việc bị phạt tiền, còn có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, hoặc cấm huy động vốn 1 - 3 năm.