Pháp luật hình sự và pháp luật hành chính không giải thích thế nào là lừa dối, gian dối hay lừa đảo, nhưng theo các hành vi mà các hệ thống pháp luật liệt kê, quy định để xử lý, và theo các thông tin đã có, thì hành vi thối tiền bằng “tiền âm phủ” là “dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác”. Cả pháp luật hành chính và pháp luật hình sự của Việt Nam đều có chế tài xử phạt hành vi này.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dấu hiệu để cấu thành tội phạm là “bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng”. Vậy, xét về giá trị tài sản bị chiếm đoạt, hành vi này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi tài sản bị chiếm đoạt trị giá từ 2 triệu đồng trở lên. Trong vụ này, tài xế chỉ chiếm đoạt của 2 du khách chưa tới 500.000 đồng, vậy giá trị tài sản bị chiếm đoạt chưa đủ để cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, điều khoản trên của Bộ luật Hình sự cũng quy định thêm “hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Còn nếu không thuộc các trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự nêu trên, thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính, chế tài áp dụng cho hành vi này chỉ là phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.