Ngay từ khi mới phát hiện, vụ việc này đã gây sự chú ý cao độ của người dân cả nước, vì sự gian lận quá sức trắng trợn. Có những trường hợp được nâng đến hơn 20 điểm, thậm chí từ điểm liệt thành điểm cao, trở thành thủ khoa đầu vào trường đại học.
Trâng tráo nhất là trường hợp gian lận sửa điểm cho một thí sinh ở Hòa Bình có điểm thực cả 3 môn chỉ 1 điểm (trong đó có 2 môn bị điểm liệt 0 điểm), được nâng lên lần lượt thành 9 - 9,25 - 9,20 điểm và đứng vào tốp 3 thí sinh đạt điểm cao nhất vào Trường Sĩ quan Lục quân 1.
Những thí sinh học lực quá yếu như vậy, dù gian lận lọt được vào đại học cũng sẽ khó có thể hoàn thành được chương trình học nếu các trường siết chặt chất lượng đầu ra. Và thật đáng lo âu nếu những trường hợp gian lận thi cử như vậy vẫn qua trót lọt, tiếp tục được dọn đường thăng tiến trở thành những cán bộ có thể chi phối vận mệnh đất nước.
Thực tế đang đòi hỏi phải mạnh tay với tiêu cực, có những chế tài nghiêm để loại trừ tận gốc nạn gian lận thi cử. Gian lận thi cử là hành vi phạm pháp, do vậy cần phải sa thải và xử lý pháp luật đối với các cán bộ trong ngành GD-ĐT nhận hối lộ, gian lận sửa điểm thi.
Công khai danh sách các phụ huynh có con em được nâng điểm thi; vận dụng các quy định của Đảng về những điều cán bộ, đảng viên không được làm, Luật Cán bộ công chức để có biện pháp chế tài tức thời, như đưa ra khỏi quy hoạch và dừng đề bạt, bổ nhiệm đối với cán bộ có con em được nâng điểm.
Nếu phát hiện có hành vi “mua điểm”, phải đình chỉ công tác ngay với cán bộ đó, bất kể đó là ai và đang ở cấp nào, xử lý hình sự về tội hối lộ. Ngoài ra, cần bổ sung quy chế thi cử, quy định rõ với các trường hợp bị phát hiện “mua điểm” sẽ bị ngưng ngay việc học và cấm thi cử có thời hạn hoặc vĩnh viễn.