Xe buýt là một loại phương tiện giao thông đường bộ, khi tham gia giao thông phải tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008. Điều 8 của luật này đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm như bấm còi liên tục; tranh giành, lôi kéo hành khách. Luật này có quy định về quyền ưu tiên của một số loại xe, nhưng trong đó không bao gồm xe buýt; do vậy, việc điều khiển xe buýt tham gia giao thông vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định về giao thông đường bộ, mà không có bất cứ sự ngoại lệ nào. Riêng tại TPHCM, UBND TPHCM có ban hành Quyết định 3653/QĐ-UBND ngày 25-7-2005, trong đó có nội dung quy định về quyền ưu tiên lưu thông của xe buýt khi tham gia vận chuyển khách công cộng.
Theo đó, trên các tuyến đường có từ 3 làn xe trở lên, xe buýt được phép lưu thông vào các làn ô tô khác trong trường hợp làn xe buýt thử nghiệm bị tắc; được phép lưu thông vào làn xe 2 - 3 bánh khi có hiệu lệnh của cảnh sát giao thông; được phép lưu thông vào làn xe 2 - 3 bánh khi cách giao lộ từ 100m trở lên và các làn ô tô đều bị tắc. Với quy định này, UBND TPHCM hướng đến mục tiêu phát huy hiệu quả hoạt động của xe buýt. Tuy nhiên, thực tế đã có những trường hợp tài xế xe buýt lạm dụng quy định này, lấn ép xe máy tại các làn xe 2 - 3 bánh.
Các hành vi vi phạm của tài xế xe buýt có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Cụ thể, hành vi bấm còi liên tục có thể bị phạt tiền 600.000 - 800.000 đồng; hành vi chạy xe không đúng phần đường hoặc làn đường quy định có thể bị phạt tiền 800.000 - 1,2 triệu đồng; hành vi chuyển làn không đúng nơi cho phép (không bao gồm hành vi xảy ra trên đường cao tốc) có thể bị xử phạt 300.000 - 400.000 đồng.
Ngoài ra, các hành vi chửi bới, cư xử thô tục còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về trật tự công cộng theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, với mức xử phạt từ 100.000 - 300.000 đồng. Các mức xử phạt nêu trên cần đi kèm với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ để hạn chế thực trạng xấu của xe buýt như hiện nay.